Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nông nghiệp đang được tái cấu trúc theo hướng gia tăng giá trị nhưng vẫn gặp vướng mắc về thương hiệu. Nông sản xuất khẩu nhiều song chủ yếu là xuất thô. Hầu hết sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu nhưng không mang thương hiệu “made in Vietnam”, mà dưới mác của doanh nghiệp.
Đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng, cần xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt. Ông dẫn dụ, hiện Việt Nam có trên 200 loại thóc, tương ứng hơn 200 loại gạo, địa phương nào cũng tự hào mình có gạo ngon, đặc sản nhưng thực tế chưa chắc chắn vì “chúng ta đã tổ chức thi gạo ngon bao giờ đâu”.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế gạo Việt đã được công nhận. Tháng 11/2017 tại Ma Cao (Trung Quốc), gạo ST 24 của Việt Nam được vinh danh, nằm trong top 3 loại gạo ngon nhất thế giới, sau Thái Lan, Campuchia.
“Thực tế đã có thi hoa hậu bò sữa, nhưng lúa gạo gắn với người dân Việt Nam hàng nghìn năm thì lại chưa có cuộc thi gạo ngon nhất nào được công khai”, ông nói và kỳ vọng ngành nông nghiệp tới đây sẽ sớm vinh danh cho sản phẩm gạo Việt để góp phần xây dựng thương hiệu nông sản.
Một số ý kiến cũng nhận định, nếu thương hiệu nông sản Việt mạnh lên sẽ tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này, khi đó xuất khẩu nông sản sẽ không dừng lại 30 tỷ USD mỗi năm mà sẽ tăng lên 50 tỷ, hoặc 60 tỷ USD.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hoàng Phong |
Giải trình làm rõ một số vấn đề tăng trưởng, cơ cấu trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, hết tháng 9 nông nghiệp tăng 3,65% là "mức cao trong nhiều năm gần đây".
Về tái cơ cấu nông nghiệp, ông Cường khẳng định, tổng kết 5 năm cho thấy cơ cấu lại ngành đang đi đúng hướng, sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng; nông sản đã xuất khẩu đi 180 quốc gia.
Hiện nông sản Việt đã xuất khẩu đi 180 nước, thu về 200 tỷ USD trong 5 năm qua và đạt giá trị thặng dư 50 tỷ USD. Có 3 nhóm sản phẩm, gồm nhóm sản phẩm “trục" quốc gia xuất khẩu từ 1 tỷ USD; sản phẩm cấp tỉnh và đặc sản địa phương ... từng bước đều áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy mô, quản trị.
Ông ví dụ, 5 năm trước giá gạo Việt Nam ở rất thấp, thì hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ... đảm bảo cơ cấu, giá trị. Như năm 2018, xuất khẩu gạo cao nhất về lượng, giá trị.
Liên quan tới phát triển nông thôn mới, ông Cường nêu một số thách thức, nếu không cẩn trọng dẫn tới thực trạng tăng khoảng cách giàu nghèo tại các nơi vùng sâu, vùng xa khi thưc hiện nông thôn mới. Dù vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, hơn 40% số xã đã đạt chỉ tiêu nông thôn mới. Về cơ bản sẽ "cán đích" hoàn thành mục tiêu 50% số xã đạt nông thôn mới trước một năm.
Tập trung vào thúc đẩy sản xuất, môi trường thông qua xã hội hoá... là những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, với diễn biến biến đổi khí hậu phức tạp, Thủ tướng chỉ đạo không được chủ quan trong những tháng cuối năm, đề phòng tình trạng xảy ra bão lũ ở khu vực phía Nam. Nếu nhìn lại năm 2016, 2017 thì "càng thấm thía điều này". "Hai năm qua đã gặp phải tình cảnh lũ chồng lũ, nên không thể chủ quan.
Nguy cơ nữa là dịch tả lơn châu Phi đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi rất gần với biên giới nước ta, cũng đã xuất hiện dịch bệnh.
"Từ nay tới cuối năm chỉ còn 2 tháng nên bất kỳ điều gì xảy ra sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, nên phải tăng cường giải pháp quản lý rủi ro", ông Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, tình hình diễn biến thời tiết năm tới sẽ chuyển sang El Nino nên sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và ngay thời điểm này "phải có ý thức giữ thành quả 2018, có giải pháp ngay củng cố và giữ thành quả này trong năm 2019".
Hải Phòng sẽ không ‘phạt cho tồn tại’ khu đất quốc phòng
Tại phiên thảo luận chiều, ông Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã giơ biển xin tranh luận với đại biểu Dương Trung Quốc, liên quan tới “phạt cho tồn tại đang huỷ hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền, trong đó có vụ đất quốc phòng rộng 14,2 ha ở quận Hải An, Hải Phòng”.
Tranh luận lại, song thực chất là “nói thêm cho rõ”, ông Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết, khu đất quốc phòng với quy mô 14,2 ha tại phường Thành Tô và phường Tràng Cát, quận Hải An, TP Hải Phòng trước đây do sư đoàn 363 quản lý.
Năm 2013, Thủ tướng có quyết định về việc chuyển khu đất này ra khỏi quy hoạch để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội chung thì ngày 12/8/2014, Bộ Tổng tham mưu có quyết định thu hồi và giao cho Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng quản lý để thực hiện dự án khu nhà ở Lạch Tray Riverside.
Trong quá trình chờ quyết định chủ trương lập dự án khu nhà ở, một số cá nhân là cán bộ của sư đoàn 363, UBND phường Thành Tô... đã tự ý lập trích đo, san lấp, phân lô bán nền trái phép tại khu A với diện tích 5,2 ha cho người dân. Khi Bộ Quốc phòng phát hiện đã chỉ đạo các cơ quan nội chính của Quân khu 3 khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 24 và 25/10 mới đây, Toà án quân sự quân khu 3 đã xét xử vụ án và phạt tù đối với những cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.
Tại khu B với diện tích 9 ha liền kề với khu A, sau khi Tổng công ty 319 tiến hành đổ đất, san lấp (chủ yếu là mặt nước tự nhiên) đã có tình trạng một số hộ dân lấn chiếm tự xây dựng trái phép, dù các cơ quan quân sự đã kiểm tra nhưng chưa ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng đã đề nghị giao toàn bộ 14,2 ha đất về cho UBND TP Hải Phòng quản lý.
Ngày 17/10, thành phố đã tổ chức tiếp nhận khu đất từ Bộ Quốc phòng, hai bên tiến hành kiểm kê chi tiết tại thực địa và dự kiến hoàn thành vào ngày 20/11/2018. Thành phố đã giao UBND quận Hải An quản lý, tổ chức ngăn chặn, không để tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tiếp diễn.
"Tại khu đất 5 ha sau khi kiểm kê phân loại cụ thể sẽ có phương án xử lý giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng lợi ích hợp pháp của người dân. Đến nay các hộ dân đã thực hiện đúng yêu cầu của thành phố và tình trạng khu đất đã ổn định", ông Tùng nói.
Đại biểu quan ngại 'resort mọc tràn lan, lấp hết đường xuống biển của ngư dân'
Nêu thực trạng nhiều làng chài tại miền Trung, như Quảng Nam, biến mất, nhường chỗ cho các khu du lịch (resort) ven biển mọc lên thời gian qua, đại biểu Lê Công Nhường nói, nhiều làng chài dọc biển miền Trung đang phải nhường chỗ cho các dự án du lịch. Hàng rào các khu resort, khách sạn đã ngăn lối đi lại của ngư dân xuống biển. Trong khi số tiền đền bù cho ngư dân không đủ giúp họ ổn định cuộc sống. "Sau một thời hết tiền thì họ trở thành hộ nghèo nếu không đổi nghề thành công, còn bám nghề thì đi lại khó khăn", ông nêu.
Chưa kể, các làng chài mất đi một số nghề truyền thống gắn với biển như làm mắm, chế biến thuỷ hải sản, lễ hội văn hoá... Đại biểu tỉnh Bình Định lo lắng, sắp tới Chính phủ có chủ trương làm đường ven biển thì cơn lốc khu du lịch ven biển càng lan mạnh. "Phát triển nhưng phải dành quỹ đất tái định cư cho người dân tại ngay ven biển, bảo tồn làng chài, làng nghề tốt hơn", ông Nhường lưu ý.
Ông Nhường đề xuất, Bộ Lao động, thương binh & xã hội và Bộ Nông nghiệp tập trung hướng dẫn kỹ thuật khai thác hải sản theo tiêu chuẩn mới, ứng dụng công nghệ.
Chính phủ cũng cần tăng cường năng lực lực lượng bảo vệ trên biển để ngư dân không cô đơn trước tàu lạ giữa biển khơi.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Phan Việt Cường - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khẳng định, "làng chài ở Quảng Nam duy trì chứ không bao giờ mất đi".
Ông nói thêm, Quảng Nam đang xây dựng hậu cần, trạm cá phục vụ ngư dân; xây dựng tuyến đường sát biển, gần 1 km là có đường xuống biển dành cho dân cư đi lại.
Bên cạnh đó, vừa qua một số dự án vào Quảng Nam đã thu hút và giải quyết hàng nghìn lao động, bình quân 6 triệu đồng một tháng. Đây là bài toán phải tính tới phát triển ven biển và làng chài, chứ không như đại biểu Nhường nói.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất thảo luận về kinh tế xã hội, đã có 44 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng tham gia giải trình. Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục làm việc, thảo luận các nội dung liên quan tới kinh tế xã hội, đầu tư công và ngân sách. Hai Bộ trường Công Thương Trần Tuấn Anh và Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
0 nhận xét:
Post a Comment