Vì sao ban đêm là “khung giờ đen” của TNGT? - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Vì sao ban đêm là “khung giờ đen” của TNGT?

Thứ Tư, ngày 22/07/2020 11:00 AM (GMT+7)

Các chuyên gia cho rằng theo đồng hồ sinh học, ban đêm được coi là “khung giờ đen”, rất dễ xảy ra TNGT. Thời gian này là lúc lái xe dễ mệt mỏi.

Vì sao ban đêm là “khung giờ đen” của TNGT? - 1

Từ 11h đêm đến 6h sáng là khung thời gian nghỉ ngơi nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ

Nhiều nguyên nhân

Gần đây, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người diễn ra vào khung giờ đêm. Điển hình nhất là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 1h đêm 21/7 tại Km 1.767 QL1, đoạn qua xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Xe ô tô khách 16 chỗ BKS 86B - 01087 và xe tải BKS 79N - 0315 đâm vào nhau, làm 8 người chết và 7 người bị thương.

Hay trước đó, xe container BKS 14C-009.86 lưu thông trên QL18. Khi đến Km 256+650 thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Minh, Quảng Thành, tỉnh Quảng Ninh, xe container bất ngờ lật ngang đè lên xe khách Limousine BKS 79B-029.12. Vụ tai nạn khiến 3 người đi trên xe khách Limousine tử vong.

“Theo thống kê của Ủy ATGT Quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, từ 18h - 6h sáng thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày và những vụ TNGT liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ TNGT trong một năm. Điều này phần nào cho thấy, việc lái xe khi trời tối luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy, đòi hỏi người lái phải cẩn trọng hơn.”

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, về nhịp sinh học của con người, từ 23h - 6h sáng là khung thời gian nghỉ ngơi nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ. Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, đây cũng là khoảng thời gian đường vắng dễ tạo tâm lý chạy quá tốc độ, vượt ẩu cộng với suy nghĩ lực lượng chức năng ít kiểm soát, xử phạt nên lái xe có tâm lý chủ quan. Thêm nữa, ban đêm chiếu sáng kém nên tài xế nhận diện và phản ứng với tình huống kém và chậm.

Là người có kinh nghiệm chạy xe giường nằm trên 10 năm tuyến Hà Nội - Điện Biên, anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhà xe Lệ Sơn chia sẻ: “Khi buồn ngủ, phản xạ sẽ chậm lại, độ tỉnh táo giảm nên khả năng xử lý tình huống thiếu chính xác, dễ mất lái và gây tai nạn. Bản thân tôi cũng có lần thiu thiu ngủ khi đang lái xe, đến khi giật mình tỉnh dậy thì sắp đâm vào xe khác”.

“Kinh nghiệm của tôi để khỏi buồn ngủ là trước khi ngồi vào vô lăng phải uống một tách cà phê hay một lon nước tăng lực để giúp đầu óc tỉnh táo hơn. Bên cạnh đó, nếu có người trò chuyện với tài xế suốt chặng đường thì sẽ đỡ buồn ngủ. Dù chạy xe tốc hành đến mức nào, khi thấy buồn ngủ không thể cưỡng lại được thì nên dừng lại trên đường để ngủ một lát rồi mới đi tiếp. Chậm một chút nhưng tránh được gây tai nạn đáng tiếc”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Châu, lái xe Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La, 3 năm liền đoạt giải đặc biệt “Vô lăng Vàng” cũng chia sẻ, ngoài những việc cần làm để đảm bảo tầm nhìn như: Vệ sinh đèn pha, bề mặt kính, chỉnh gương chiếu hậu trước khi khởi hành chuyến đi vào ban đêm, với những cung đường mới lái xe nên nắm rõ lộ trình. Tầm quan sát vào ban đêm không được tốt như khi lái xe ban ngày, vì vậy nên điều khiển ô tô di chuyển chậm hơn, phù hợp khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn pha và không vượt quá tốc độ cho phép.

“Trước khi lái xe đường trường nên ngủ đủ giấc, ít nhất là 6 tiếng hoặc hơn. Tài xế nên dừng lại để nghỉ ngơi khi có dấu hiệu lái lệch ra khỏi làn đường của mình, khi cảm thấy khó tập trung cao độ, ngáp liên tục, cảm thấy khó mở mắt một cách tỉnh táo và khi tài xế suýt đâm vào cái gì đó”, anh Châu nói.

Cách nào xử lý?

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, tai nạn xảy ra trước hết là trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái. Từ vụ xe khách lao qua lan can cầu Sêrêpốk cách đây nhiều năm đến vụ ở Bình Thuận vừa qua cho thấy phần lớn do lỗi lái xe chứ không phải do lỗi kỹ thuật.

Theo ông Mạnh, trước áp lực do cạnh tranh, cung - cầu khốc liệt trong vận tải cộng với việc kiểm soát nới lỏng và hành vi khoán trắng cho người lái xe nên sức khỏe, tinh thần của người lái hay bộ phận quản lý ATGT của doanh nghiệp không được quan tâm. Việc phối kết hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm vào ban đêm cũng gần như đang bị bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, theo quy định, người điều khiển phương tiện không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá thời gian, quá tốc độ, lái xe đều chạy quá số giờ quy định chưa được chú trọng.

Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm. Trong đó, cần quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm giám sát. Bên cạnh đó, cần xây dựng định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ các phân tích về rủi ro trên lộ trình.

Đề cập đến quy định thời gian của lái xe, ông Minh cho rằng, ban đêm cần buộc phải chuyển lái không quá 2 giờ thay vì 4 giờ như hiện nay và tốc độ tối đa ban đêm thấp hơn ban ngày 10km/h. Cần tiếp tục lắp đặt camera phạt nguội dày đặc trên các quốc lộ và tim đường phải có được đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm.

“Cùng đó, cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải. CSGT cần tăng cường kiểm tra trên xe có dây bảo hiểm và xử phạt nghiêm việc không thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải. Nếu những người trên xe thắt dây bảo hiểm, số thương vong sẽ giảm đi tới 70%. Để có căn cứ thực hiện, tất cả các nội dung trên phải được bổ sung vào quy các văn bản pháp luật hiện hành”, ông Minh nói.

Bổ sung nhiều quy định để siết điều kiện an toàn

Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc kiểm soát thời gian của lái xe trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp phải giám sát, theo dõi. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tổng hợp dữ liệu kiểm tra xử lý.

“Điều 12 của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định cụ thể về thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Tài chính để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, ATGT; an ninh, trật tự; thuế. Tại Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT bổ sung nhiều quy định để siết chặt các điều kiện về an toàn đối với lái xe và doanh nghiệp”, ông Thủy nói.

Nguồn: https://ift.tt/3hstTFtNguồn: https://ift.tt/3hstTFt

 “Cung đường chết chóc” ở Bình Thuận và những vụ ô tô đối đầu thảm khốc

Chỉ 50km tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đến giáp tỉnh Đồng Nai lại là “cung đường...

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment