Thứ Năm, ngày 08/10/2020 08:10 AM (GMT+7)
Sau 10 năm triển khai nhưng chưa hoàn thành, Sở Giao thông Vận tải TP HCM trình đề xuất thu phí BOT xa lộ Hà Nội từ ngày 1-11.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa trình UBND TP về việc cho phép thu phí dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đường dài 15,7 km.
Trễ 1 năm, kéo dài 6 năm thu phí
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7 km, đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công ngày 2-4-2010, đến nay chỉ mới thực hiện được 76% khối lượng công việc đề ra, nguyên nhân là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó, trục đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc địa phận TP HCM) chỉ mới kết nối được 73%, dự kiến tháng 3-2021 mới hoàn thành. Cũng trên đường này, đoạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương vẫn còn vướng nhiều công trình liên quan đến metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Theo Sở GTVT TP, dự án chưa hoàn thành nhưng việc thu phí cấp bách. Lý do càng kéo dài thời gian thì lãi phát sinh càng cao, thời gian thu phí sẽ tăng thêm. Nếu trễ 1 năm khai thác thì kéo dài thêm 6 năm thu phí. Cụ thể, năm 2010 dự án phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng. Do bị chậm trễ nên đến năm 2016, dự án điều chỉnh nâng mức đầu tư lên 4.900 tỉ đồng.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội nằm gần cạnh cầu Rạch Chiếc, quận 9, TP HCM
Trên cơ sở đó, Sở GTVT TP đề xuất mức cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội kể từ ngày 1-11-2020, với mức như sau: ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt; ôtô từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 10-18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng/lượt. Trường hợp mua vé tháng được giảm 10%.
Bên cạnh đó, miễn phí 11 nhóm xe, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát; xe buýt TP HCM tuyến cố định chạy qua trạm; giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, chủ xe có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức). Giá thu sẽ điều chỉnh sau 5 năm hoạt động cho phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cho biết thời gian thu phí dự kiến là 17 năm 9 tháng. Nếu không thu sẽ dẫn đến lãi vay tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách TP. "Việc thu phí càng trễ sẽ khiến thời gian thu càng giãn ra. Nhìn tổng thể việc này sẽ không có lợi cho mọi mặt" - ông Nam lý giải.
Còn nhiều băn khoăn
Việc đề xuất thu phí trong khi dự án chưa hoàn thành, tạo áp lực lên giao thông đô thị đặt ra nhiều băn khoăn.
Lãnh đạo Đội CSGT Rạch Chiếc, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP nhìn nhận gần như các giao lộ tại khu vực quanh trạm thu phí xa lộ Hà Nội luôn bố trí lực lượng để điều hòa giao thông từ sáng đến tối. Nơi đây có mật độ phương tiện rất lớn. Đặc biệt tại ngã tư Bình Thái và các lối dẫn vào cảng IDC, cảng Phúc Long, xe container rất nhiều, có thời điểm lên đến 200-300 xe container ra vào cùng lúc. "Gần đây, lượng dân cư về quận 9 sinh sống nhiều khiến xa lộ Hà Nội trở thành trục đường giao thông chính. Việc mở rộng tuyến đường này để sớm giảm bớt áp lực là điều cấp bách" - vị lãnh đạo này nói.
Anh Võ Thành Được, có nhà ở ngã tư Thủ Đức, phản ánh vào giờ cao điểm, anh rất khổ sở khi di chuyển bằng ôtô qua các giao lộ trên xa lộ Hà Nội. Vào buổi tối, nhiều hôm xe container ra vào các cảng tại quận 9 và Thủ Đức khiến đoạn đường bị kẹt xe nghiêm trọng. Anh Được kiến nghị: "Nếu thu phí mà đường đi thông thoáng thì chúng tôi chấp nhận. Tôi kiến nghị cần phải làm xong dự án mới thu phí. Lúc đó mặt đường thoáng sẽ giảm tải được áp lực".
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng dự án cần phải làm xong mới tính chuyện thu phí. Bởi lẽ, người sử dụng dịch vụ phải cảm thấy xứng đáng đồng tiền bỏ ra. Hơn nữa, thời điểm này, các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi sau 2 đợt dịch Covid-19, nếu gánh thêm phí vận tải sẽ khiến việc kinh doanh thêm khó khăn. Ông Tính kiến nghị nên tổ chức kiểm toán lại để xác định được chính xác thời gian, mức giá phù hợp nhằm bảo đảm không xảy ra tiêu cực.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, lo lắng trạm thu phí xa lộ Hà Nội đưa vào hoạt động trong lúc chưa hoàn thành sẽ khiến nơi đây kẹt xe thêm trầm trọng. "Hiện tại còn một đoạn dài 5 km vẫn bị ùn tắc, kẹt xe vì không thể mở rộng thêm. Nếu lấy lý do kéo dài sẽ phát sinh lãi là không hợp lý" - ông Quản phản đối.
Ông Quản cũng băn khoăn về vị trí đặt trạm, vì dự án chỉ mở rộng ở khu vực hai tuyến đường song hành, không liên quan đến mặt đường hiện hữu, xe tải và xe container không sử dụng phần đường mở rộng này.
Luật sư Nguyễn Minh Anh, Đoàn luật sư TP HCM: Muốn thu phí phải có kiểm toán, nghiệm thu trước Người dân đi lại tuyến đường là khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Một khi dịch vụ chưa có mà đã thu tiền là điều không đúng. Do vậy, muốn thu phí phải có kiểm toán, nghiệm thu trước. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc phối hợp chủ đầu tư hoàn thiện dự án càng sớm càng tốt để giải phóng kẹt xe khi đưa vào hoạt động trạm thu phí. |
Nguồn: https://ift.tt/2GJgBXWNguồn: https://ift.tt/2GJgBXW
Hàng loạt vụ gây rối, hành hung, và thậm chí đổ máu tại Trạm thu phí BOT Ninh Xuân (Khánh Hòa) nhưng đến nay tỉnh này vẫn...
0 nhận xét:
Post a Comment