Thứ Tư, ngày 07/10/2020 07:55 AM (GMT+7)
Nếu TP Thủ Đức được thành lập thì diện mạo của nó sẽ ra sao, tạo động lực cho TP.HCM thế nào và người dân hưởng lợi gì?
Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người (Trong ảnh: Nút giao thông ngã ba Cát Lái, quận 2) Ảnh: L.Đ
TP.HCM đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra đời TP Thủ Đức. Đáng chú ý, thành phố này không phải được xây dựng ở một khu vực mới, tách biệt để tạo được động lực mà chỉ sáp nhập 3 quận và lấy tên mới, trở thành “thành phố trong thành phố”.
Nếu được thành lập, diện mạo thành phố này sẽ ra sao, tạo động lực cho TP.HCM thế nào và người dân hưởng lợi gì?
82% người dân đồng tình
Những ngày qua, vào bất cứ quán cà phê nào ở khu vực quận 2, 9, Thủ Đức đều nghe người dân thảo luận sôi nổi về việc thành lập TP Thủ Đức. Theo thống kê từ kết quả lấy ý kiến của người dân 3 quận, có trên 82% người dân đồng tình về việc thành lập TP Thủ Đức.
Anh Bùi Đức Chiến (quận Thủ Đức) cho rằng, 3 quận phía Đông lâu nay chưa có sự phát triển tương xứng với khu vực nội đô cũ của thành phố.
“Với định hướng phát triển khu phía Đông thành một khu đô thị sáng tạo, hy vọng thành phố sẽ có những sự đầu tư thích đáng để thực sự là nơi đáng sống, đáng làm việc”, anh Chiến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Truyện, một người dân sống ở phường Long Bình (quận 9) cho biết, ông đồng tình về việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở hợp nhất 3 quận hiện có. Bởi, quận 9 lâu nay được xem là vùng ven, khi lên thành phố chắc chắc sẽ có sự đổi khác.
Tuy nhiên, hàng ngày đối mặt với tình trạng kẹt xe, ngập nước ở đường Lê Văn Việt mỗi khi đi làm về, ông Truyện cũng không khỏi băn khoăn.
“Quan trọng là người dân được gì khi lập TP Thủ Đức? Chứ lên thành phố nghe rất hoành tráng, nhưng những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày như giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… không được xử lý tốt thì cuối cùng người dân cũng không thấy được lợi ích gì”, ông Truyện lo ngại.
Lo lắng của ông Truyện không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế hạ tầng giao thông, đô thị tại 3 quận phía Đông hiện nay đang quá tải. Ngập nước, kẹt xe từ những khu vực trung tâm nay đã lan ra các quận ngoại thành.
Trận mưa ngày 24/9 chỉ kéo dài 30 phút nhưng nhiều tuyến đường như Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt, Chương Dương (quận 9) và cả “khu nhà giàu” Thảo Điền (quận 2) ngập sâu trong nước.
“Khu vực phía Đông là nơi cao nhất thành phố nhưng lại trở thành điểm ngập nước nặng trong thời gian qua, điều này khiến người dân rất khổ sở và bức xúc. TP Thủ Đức là Khu đô thị sáng tạo, phải làm sao giải quyết căn cơ những vấn đề này”, ông Đoàn Chiến, một người dân ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức nói.
Diện mạo thành phố ra sao?
Theo quy hoạch của Công ty Sasaki Associates Inc, đơn vị đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP HCM”, TP Thủ Đức trong tương lai có 6 khu trọng điểm bao gồm: Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao.
“TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía Đông TP gồm quận 2, 9, Thủ Đức. Theo đó, TP mới sẽ có diện tích hơn 211km2, dân số hơn 1 triệu người, bằng 10% diện tích và 10% dân số của toàn TP. Bản quy hoạch của TP Thủ Đức phải được lồng vào một bản quy hoạch mềm nữa, đó là bản quy hoạch cân bằng giữa lợi ích của các bên: Chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, chất lượng sống của người dân được đặt lên hàng đầu, đó mới là một bản quy hoạch thành công. KTS. Ngô Viết Nam Sơn”. |
Trong đó, khu Trường Thọ là khu đô thị thông minh sáng tạo và là trung tâm của TP Thủ Đức trong tương lai. Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Với diện tích 657ha, nơi đây sẽ xây dựng các khu chức năng như trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên.
Khu Công nghệ cao nằm bên Xa lộ Hà Nội, kéo dài đến đường Vành đai 2 (quận 9) hiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế như Intel (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Khu Tam Đa vốn được xem là “vùng quê” của thành phố hiện nay sẽ được xây dựng thành trung tâm công nghệ sinh thái, biến nơi đây là Phú Mỹ Hưng thứ 2 của thành phố.
Nằm tại nút giao giữa hai đại lộ Mai Chí Thọ và Xa lộ Hà Nội, khu Rạch Chiếc sẽ là trung tâm thể thao và sức khỏe trong tương lai của TP Thủ Đức. Với quy mô 64ha trong đó có 26ha cho các công trình thể thao, còn lại là nhà ở thương mại.
TP Thủ Đức tương lai còn có làng đại học với trung tâm là Đại học Quốc gia TP HCM bên cạnh Đại học Nông lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Việt Đức. Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Tất nhiên, đây chỉ mới là những ý tưởng ban đầu trong đồ án thiết kế TP Thủ Đức của đơn vị tư vấn. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì lấy ý kiến của các sở, ngành, chuyên gia để hoàn thiện đồ án quy hoạch này.
Với diện tích dự kiến 210km2, khoảng 1 triệu dân, kỳ vọng TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, bằng 4% - 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Kỳ vọng là vậy, song để hình thành nên một TP Thủ Đức với những khu chức năng trên không phải một sớm một chiều. Điều lo ngại nhất của các chuyên gia là nguồn vốn ở đâu để đầu tư hạ tầng, trước mắt là hạ tầng giao thông.
Chẳng hạn theo quy hoạch, có 5 cây cầu và 1 hầm nối khu trung tâm thành phố qua Thủ Thiêm nhưng đến nay chỉ mới có 1 hầm và 2 cầu, các dự án còn lại vẫn đang thiếu tiền.
Tuyến Vành đai 2 đến nay qua khu vực phía Đông vẫn còn 2 đoạn đứt quãng vì chưa tìm được nguồn vốn, trong khi đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa qua quận Thủ Đức đã triển khai 2 năm lại bị tắc vì vướng cơ chế.
Nguồn vốn đâu để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị cho TP Thủ Đức là bài toán đau đầu với chính quyền thành phố hiện tại. Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nguồn vốn khổng lồ đó không thể lấy từ ngân sách và cũng không thể chờ ngân sách bởi sẽ rất chậm.
Phương án tốt nhất là huy động từ xã hội hóa với công thức “mỡ nó rán nó”. “Cần có những bản quy hoạch thật sự bài bản, chi tiết, từ đó nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra xây dự án khu công nghệ cao hoặc bất động sản, nhưng cũng đảm bảo lợi ích cho dân chúng về hạ tầng, tiện ích công cộng và môi sinh, có thế mới đạt được kỳ vọng chung”, ông Sơn nói.
Vẫn chưa rõ mô hình quản lý đô thị
Một góc của khu vực sáp nhập thành TP Thủ Đức theo đề án của TP HCM
Trong “Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã” mà TP HCM đang trình Trung ương có lồng ghép nội dung thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM.
Nhưng tổ chức chính quyền ở TP Thủ Đức tương lai như thế nào vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một chính quyền gồm đầy đủ HĐND, UBND hay chỉ là cấp hành chính, thống nhất theo “Đề án không tổ chức HĐND quận, phường” mà thành phố đang trình?
Tại buổi làm việc với UBND TP HCM mới đây, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý về vấn đề này. “Bản chất của TP Thủ Đức cũng chỉ ngang cấp huyện, có điều quy mô và mức độ đô thị cao hơn các quận và thị xã.
Do đó, nếu TP HCM giữ quan điểm tổ chức HĐND thì sẽ có độ vênh với “Đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường” mà thành phố đang trình.
Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, thành viên ban soạn thảo “Đề án không tổ chức HĐND quận, phường, xã” cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn thành phố, trong đó có việc thành lập TP Thủ Đức là căn cứ vào nhu cầu phát triển và lợi thế cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại địa bàn 3 quận 2, 9, Thủ Đức.
Đây là địa bàn đã được phê duyệt phát triển đô thị, giờ chỉ cần quy hoạch nâng lên một tầm cao hơn là Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu TP Thủ Đức chỉ gộp lại như thành một quận lớn, hay nếu lãnh đạo TP Thủ Đức có quyền hành chỉ ngang cấp quận thì rất yếu về quyền hạn, không tương xứng với trách nhiệm.
Cái gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, mất hàng tháng, thậm chí hiện đang có những dự án mất hàng năm trời, thì chúng ta không đủ lực để làm TP phía Đông.
Là người từng tham gia quy hoạch cho khu Phố Đông, Thượng Hải, ông Sơn dẫn chứng: “Ở Thượng Hải, nếu xin mở một công ty hay cấp phép xây một cao ốc, chính quyền có thể làm gấp trong một tuần.
Chỉ một cơ chế cực kỳ linh hoạt, cởi mở mới có thể làm được điều đó”, vị chuyên gia này nói và cho rằng nếu ngay từ đầu, chúng ta không có một cơ chế khác biệt cho TP Thủ Đức, sẽ khó có thể thành công.
Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Công ty enCity (thuộc đội đoạt giải Nhất Sasaki - enCity trong cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển KĐT sáng tạo tương tác cao phía Đông TP HCM”), có hai việc cần làm song song hiện nay:
Thứ nhất là tạo ra một cơ chế quản lý mới thông qua việc một TP trong lòng TP với mô hình chính quyền đô thị. Thứ hai là lập quy hoạch để có cơ sở thu hút đầu tư, triển khai hạ tầng theo tầm nhìn đã được đề ra.
Công tác quy hoạch phải thực hiện nhanh chóng và gắn kết với kế hoạch triển khai để kịp đưa vào nghị quyết của Đảng bộ TP giai đoạn 5 năm tới.
Nếu không, chúng ta lại lỡ hẹn trong một thế giới đầy cạnh tranh giữa các quốc gia và vùng đô thị. “Các chuyên gia quốc tế và trong nước của chúng tôi đã sẵn sàng chờ mệnh lệnh của TP để bắt tay vào công việc”, ông Dũng khẳng định.
Nguồn: https://ift.tt/3jP7Mu8Nguồn: https://ift.tt/3jP7Mu8
Tướng Phan Anh Minh cho rằng Quốc hội phải có nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt - thành phố...
0 nhận xét:
Post a Comment