Thứ Năm, ngày 25/03/2021 08:57 AM (GMT+7)
Thuyền viên trong thời Covid-19 mệt mỏi vì thời gian làm việc trên biển quá dài, tâm lý mong ngóng về với gia đình và nỗi lo nhiễm dịch...
Môi trường làm việc trên biển của thuyền viên vốn khắc nghiệt, nặng nhọc lại càng thêm căng thẳng trước nỗi lo quá hạn hợp đồng trong mùa dịch (Ảnh minh họa)
Duy trì các tuyến vận tải trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cuộc sống của những thuyền viên trở nên cực kỳ áp lực và luôn chực chờ nguy cơ lây nhiễm.
Trầm cảm vì nhớ nhà, lâu được lên bờ
Anh Mai Văn Đức, Đại phó trên tàu BienDong Victory là một trong 17 thuyền viên được Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông đưa về Việt Nam thành công vào tháng 2/2021 sau 20 tháng lênh đênh giữa đại dương.
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Đức cho hay, 11 năm hành nghề, lần đầu tiên anh đi trên một chuyến tàu mà không rõ ngày về. Ai cũng lo lắng, nếu mình là nạn nhân của Covid-19, các quốc gia tàu cập cảng có sẵn sàng hỗ trợ hay “đóng cửa” bỏ mặc thuyền viên đối diện với lằn ranh sinh tử.
Mệt mỏi vì thời gian làm việc trên biển quá dài, tâm lý mong ngóng về với gia đình và nỗi lo nhiễm dịch, một số thuyền viên liên tục báo cáo, đề xuất quản lý trên tàu phải cho mình về Việt Nam bằng mọi giá.
Cục Hàng hải VN kiến nghị cơ quan chức năng xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016, quy định đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn hoặc được giảm 50 - 70% mức phí, lệ phí theo quy định. Tuy nhiên các bộ, ngành đều chưa có phản hồi về vấn đề này. Ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN |
Cũng theo anh Đức, chuyến tàu của anh có tất cả 16 thuyền viên, dịch Covid-19 bùng phát khiến tất cả mọi người đều bị quá hạn làm việc. Trong đó, 5 người thời gian làm 21 tháng, người thấp nhất cũng chạm mốc tháng thứ 12.
Khó khăn nhất đối với thuyền viên trong mùa dịch là bị cấm đi bờ. Thông thường, mỗi lần cập cảng, mọi người lại tranh thủ lên khu đất nội cảng để giải lao, chơi thể thao. Song, trong mùa dịch, tất đều “bất di bất dịch”. Ở lâu trong một không gian kín, người có “tinh thần thép” cũng trở nên căng thẳng, nỗi nhớ nhà mỗi lúc một tăng.
“Đặc biệt với 5-6 thuyền viên có vợ sinh con đầu lòng, ai cũng thấp thỏm, nóng lòng ngày trở về. Bản thân tôi, vợ ở nhà cũng mới sinh cháu thứ hai. Giả sử, việc thay thế thuyền viên không bị dịch “chặn đường”, tôi có thể về nhà cùng vợ “vượt cạn”, điều tôi chưa thể làm khi vợ đi sinh lần thứ nhất và không phải mang nỗi khổ tâm con thơ đã tập đi nhưng chưa chịu nhận bố như hiện tại”, anh Đức giãi bày.
Điều đáng nhớ đối với vị Đại phó tàu dầu còn là sự ám ảnh khi nghĩ tới những bữa ăn trên tuyến hành trình Yemen - UAE. Do các nước trên tuyến hoạt động theo đạo Hồi, danh sách thực phẩm hạn chế, không có thịt lợn, lượng thịt bò và rau ít ỏi, hơn 6 tháng liền thuyền viên chỉ ăn cơm với thịt gà. Có những ngày muốn bỏ bữa nhưng không ăn không thể duy trì sức khỏe làm việc. Những lúc ấy, sự mệt mỏi, chán nản trong thời gian quá hạn làm việc lại càng tăng lên.
Trong khi đó, anh Vũ Văn Nghị (SN 1984, quận Hải An, Hải Phòng, đi tàu từ năm 2007), một thuyền viên quá hạn hợp đồng trên con tàu vận chuyển hàng rời trên tuyến xa đi châu Âu, Mỹ… được về Việt Nam vào tháng 10/2020 vẫn còn nguyên vẹn ký ức những ngày thiếu “hơi đất”.
Anh Nghị kể, thời gian dịch bệnh, tàu như một hòn đảo tách biệt với thế giới bởi chính sách cấm thuyền viên đi bờ. Cuộc sống của 21 thuyền viên trên tàu chỉ quanh quẩn trong một không gian chật chội. Công việc cũng theo một vòng tuần hoàn làm 4 tiếng, nghỉ 8 tiếng, thời gian rảnh lại ngồi tán gẫu đến 22h đi ngủ như một con rô bốt vô hồn.
“Không gian thiếu hơi đất làm cho ai nấy đều mệt mỏi. Những cuộc gọi về nhà để giải tỏa tâm lý bức bối cũng không thể thực hiện thường xuyên do dung lượng internet cung cấp trên tàu bị hạn chế, chi phí mua thêm khá đắt đỏ (30USD cho 100 MB)”, anh Nghị nói và cho biết, trước sự áp lực đó, một số thuyền viên rơi vào trạng thái trầm cảm, hay nóng giận và gây gổ.
Covid-19 còn mang đến không ít khó khăn cho những thuyền viên phải chờ tàu quá lâu trên bờ. Điển hình là trường hợp của thuyền viên Nguyễn Ngọc Minh (SN 1989, trú tại huyện An Lão, TP Hải Phòng) thuộc Công ty CP Vận tải và Đầu tư An Thái.
“Tôi được hồi hương từ tháng 7/2020. Lên bờ, bản thân xác định thời gian nghỉ ngơi chỉ 2 - 3 tháng nên bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào xây nhà. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến công tác thay thế thuyền viên bị đảo lộn, thời gian nằm bờ không lương kéo dài đến 8 tháng. Suốt những tháng qua, thu nhập từ khoảng 2.000USD về con số 0, tôi đành phải tìm việc làm thêm với vị trí trợ giảng tiếng Anh cho học sinh cấp 1, cấp 2 với mức thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình”, anh Minh chia sẻ.
Mong chờ “hộ chiếu vaccine” để yên tâm hành hải
Anh Mai Văn Đức, Đại phó tàu BienDong Victory được hồi hương tháng 2/2021 sau 20 tháng lênh đênh trên biển
Dù mong muốn lên bờ đã trở thành hiện thực, song, anh Vũ Văn Nghị vẫn chưa hết tâm tư khi nghĩ đến cuộc sống của thuyền viên Việt Nam hiện nay.
Theo anh Nghị, mỗi con tàu trong quá trình hành hải như một “thành phố nổi”, chỉ cần sai sót một khâu nào đó đều có thể gặp nguy hiểm giữa biển khơi. Vì vậy, việc thuyền viên phải ở trên tàu quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thể trạng, dễ xao nhãng và gây tai nạn lao động.
Chưa kể, đối với các tuyến xa, thời gian di chuyển giữa hai cảng lên đến 36 - 37 ngày, chỉ cần một thuyền viên không may bị nhiễm dịch giữa hành trình là tính mạng của tất cả các thuyền viên khác đều bị đe dọa.
“Đội ngũ thuyền viên Việt Nam thực sự mong muốn sẽ được Chính phủ ưu tiên là đối tượng được tiêm vaccine phòng dịch để yên tâm tiếp tục vươn khơi”, anh Nghị nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Vinh, PGĐ Công ty TNHH Vận tải và Thương mại An Thái (Ataco - đơn vị cung ứng thuyền viên) cho biết, thời gian qua, dù giá vé máy bay trên thị trường tăng cao, gấp 7- 8 lần so với thời điểm thông thường nhưng đơn vị này đã cố gắng tìm chuyến bay và đưa 270 thuyền viên về nước. Số thuyền viên quá hạn chưa được thay thế hiện chỉ còn 7 người.
Để giữ chân người lao động, Ataco cũng đề nghị chủ tàu hỗ trợ trực tiếp lương thêm 100 - 400 USD cho thuyền viên quá hạn hợp đồng; Ứng lương mức từ 10 - 50 triệu đồng đối với thuyền viên chờ lâu trên bờ.
Đối với Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Bisco), theo Phó TGĐ phụ trách Lê Việt Trung, vừa qua, công ty này cũng chi hơn 1 tỷ đồng để đưa 17 trong số khoảng 30 thuyền viên quá hạn từ Dubai về Việt Nam. Trong khi thời điểm bình thường, chi phí chỉ hết dưới 200 triệu đồng.
Dù đều chủ động đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, song, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh nguồn lao động ngày càng khan hiếm, Chính phủ và các Bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu tiên cho đối tượng thuyền viên - một lực lượng góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước bằng đường biển trong thời gian dịch bệnh như: Ưu tiên tiêm vaccine và cấp “hộ chiếu vaccine”.
Nguồn: https://ift.tt/3fd5x4sNguồn: https://ift.tt/3fd5x4s
Tàu chở hàng Indonesia đang đi ngang vùng biển Việt Nam thì có 1 thuyền viên tử vong chưa rõ nguyên nhân, xét nghiệm SARS-CoV-2...
0 nhận xét:
Post a Comment