Thứ Bảy, ngày 27/03/2021 07:32 AM (GMT+7)
Nhắc đến Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được Hà Nội phê duyệt, nhiều người dân đang sinh sống tại xóm chài ven sông Hồng đều lo lắng, sợ sau này sẽ không còn chốn dung thân, nơi nào để đi.
Cuộc đời lênh đênh sông nước của người xóm chài ven sông
Mấy ngày nay, nước sông Hồng liên tục dâng lên cao khiến chiếc thuyền và cũng là nhà của bà Nguyễn Thị Kim Oanh (58 tuổi, quê ở Nghệ An) ở xóm nổi ven sông phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội nằm cách xa bờ.
Chiếc cầu bắc từ thuyền đến bờ mọi ngày cũng bị nước nhấn chìm. Để có thể vào bờ, cách duy nhất đó là bà Oanh phải lội sang hoặc đi nhờ thuyền nhỏ của người dân xung quanh.
Bà Oanh sống trên thuyền lênh đênh dưới sông Hồng hơn 20 năm qua.
Bà Oanh sống ở ngôi nhà nổi tạm bợ này đã được khoảng 20 năm. Hằng ngày bà kiếm kế sinh nhai bằng công việc nhặt ve chai bắt đầu từ 17h - 22h ở chợ Đồng Xuân, Long Biên…
Kể về cuộc đời mình, người phụ nữ này cho biết có "ba chốn, bốn quê". Cuộc sống hồi trẻ khó khăn nên vợ chồng bà dắt tay nhau từ Nghệ An ra Hà Nội lập nghiệp rồi sống ở ven chợ Long Biên. Chính vì cuộc sống túng quẫn, công việc không ổn định nên bao năm qua bà vẫn chưa hết khổ.
"Trước sống ven sông ngay sát chợ Long Biên nhưng vì ở trái phép nên UBND phường không đồng ý. Dần dần chúng tôi lui về đây làm nhà phao sống trên sông. Chồng tôi bệnh, mất cách đây hơn 10 năm, hai con gái làm ăn xa. Giờ tôi sống với đứa cháu ngoại 5 tuổi", bà Oanh chia sẻ.
Hằng ngày bà Oanh sinh hoạt trên chính chiếc thuyền của mình.
Hàng ngày, bà Oanh đều lội nước sông Hồng đưa cháu đến trường. Do ở với cháu ngoại nên khi nhắc đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bà Oanh hoàn toàn ủng hộ với chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, lòng bà nặng trĩu nỗi lo về nơi ở vì có nguy cơ không còn chốn dung thân.
"Con gái tôi đi làm công nhân ở Hải Phòng, con nó thì ở với tôi từ bé. Tôi lo cho cháu từ miếng ăn giấc ngủ. Hà Nội quy hoạch bãi giữa sông Hồng, chúng tôi có tuổi rồi cũng không sao nhưng tương lai của những đứa nhỏ ở đây không biết sẽ đi về đâu", bà Oanh lo lắng.
Bà lo tương lai của cháu ngoại sau này cũng như nhiều đứa trẻ khác không biết đi đâu, làm gì.
Người phụ nữ này cũng bày tỏ mong muốn lớn nhất của mình đó là sẽ được lên bờ thay vì cảnh lênh đênh sông nước. Nhưng với những người như bà từ lâu đã không còn quê hương, người thân tha phương tứ xứ.
"Ở dưới sông này nhiều hôm mưa gió lênh đênh tôi phải chạy lên bờ để trú. Một thân một mình đàn bà phụ nữ không biết làm gì. Những lúc thuyền hỏng gì lại nhờ đàn ông trong xóm sửa. Tôi cũng mong có cuộc sống ở trên bờ.
Phải nói thật đó là mong muốn chứ tôi nào dám mơ ước gì. Chúng tôi sống bằng nghề nhặt phế liệu ngày cũng chỉ đủ ăn, tiền thuê nhà cũng chẳng có chứ nói gì mua đất xây nhà. Nguyện vọng của tôi muốn Nhà nước lo cho chỗ ở, cho qua ngày đoạn tháng", bà Oanh chia sẻ thêm.
Nỗi lo không chốn dung thân
Nhà nổi của bà Phạm Thị Thu (64 tuổi) xập xệ, nằm lọt thỏm giữa xóm chài. Bà Thu cho biết, khi còn có sức khỏe, bà làm nhân viên cho một bệnh viện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và gặp được ông Nguyễn Đức Lương. Một phần tâm đầu ý hợp, một phần do hoàn cảnh đơn độc nên hai người đã cùng về chung sống, bầu bạn với nhau tại xóm chài ven sông Hồng nhiều năm nay.
Để lên xuống nhà, bà Thu phải bám vào chiếc dây buộc chặt từ mái thuyền lên gốc cây trên bờ.
Để có thể xuống được nhà nổi, bà Thu phải bám chặt vào sợi dây buộc chặt từ mái thuyền lên gốc cây trên bờ. Bà lão từ từ bấu víu từng bước đi xuống vì đường dốc trơn trượt.
"Ngày nắng thì không sao chứ ngày mưa bước xuống trơn trượt lắm. Tôi cũng bị ngã một vài lần. Tối đến tôi cũng chỉ quanh quẩn trong nhà không dám ra ngoài", bà Thu chia sẻ.
Đến nay, khi nhắc đến thông tin Hà Nội quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bà Thu trầm tư, lo lắng về tương lai mù mịt. "Giờ nghĩ cảnh nếu không được ở đây nữa, vợ chồng tôi không biết đi đâu. Đi trọ thì lấy tiền đâu, ông nhà tôi thì mắt hỏng. Cả hai vợ chồng già không con cái sống nương tựa nhau.
Vợ chồng bà Thu nương tựa sống cùng nhau hàng chục năm qua, không con cái.
Hằng ngày họ sống nhờ vào việc nhặt phế liệu.
Thu nhập trung bình một tháng thì được khoảng 500.000 đồng từ việc nhặt phế liệu, điện thì chạy bằng ắc quy. Ngày xưa ông nhà tôi khỏe thì còn đào giếng được giờ cũng chỉ quanh quẩn cả ngày trong nhà. Nhà gãy hết gầm, cột đã mòn hết mà không có tiền để thay", bà Thu nói.
Bà Thu cũng mong mỏi thành phố Hà Nội có chủ trương để những người như bà nếu sau này thuộc diện quy hoạch có nơi ở để ổn định cuộc sống, bớt khổ cực…
Những chiếc thuyền nổi của hơn 100 người dân xóm chài sinh sống.
Ông Nguyễn Đăng Được (75 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố xóm làng chài) cho biết, đã quản lý người dân nơi đây hơn 30 năm qua. Cả khu dân xóm chài có 35 hộ với khoảng 120 nhân khẩu. Liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ông Được cho biết, vừa qua người dân nơi đây cũng có họp bàn và không khỏi lo lắng cho cuộc sống sau này.
"Chúng tôi nghe chủ trương của thành phố về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng qua thông tin đại chúng. Mọi người cũng đang lo lắng vì đã sinh sống tồn tại ở đây mấy chục năm qua. Giờ nếu quy hoạch nhiều gia đình sẽ mất nhà, mọi người chưa hiểu sẽ đi đâu, làm gì…", ông Được chia sẻ.
Ông Được bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội, Chính phủ quan tâm đến những người dân xóm chài có nơi cư trú sau này để mọi người yên tâm sinh sống, làm việc. Những trẻ nhỏ sẽ tránh được việc thiếu thốn nảy sinh trộm cắp, cướp giật..
Ông Trần Ngọc Chính – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, không chỉ hướng đế mục tiêu tổ chức lại không gian 2 bên bờ sông, mà quy hoạch cũng nêu rất cụ thể việc ai đi, ai ở và ở như thế nào.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Hà Nội thống nhất và lấy ý kiến từ các Bộ, Ngành. Dự kiến quy hoạch sẽ được phê duyệt, công bố vào tháng 6/2021 tới đây. Theo Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sẽ có diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha, tương đương với 40km dọc hai bên sông. Thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện của Hà Nội. Thành phố định hướng, đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ, du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô. |
Nguồn: https://ift.tt/3fml9CO...Nguồn: https://ift.tt/2PzjkaY
Đề án giãn dân phố cổ sang KĐT Việt Hưng (Long Biên) sau gần 10 năm được phê duyệt, triển khai vẫn “ngủ đông”, chưa...
0 nhận xét:
Post a Comment