Thứ Ba, ngày 15/06/2021 18:12 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra những điểm sáng của kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và những khó khăn, thách thức phải đối mặt.
Sáng 15-6, tiếp tục phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
“Chính phủ giờ làm việc xuyên đêm, rất vất vả. Quốc hội cũng vậy, địa phương cũng thế. Chúng ta phải đánh giá cái này”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp. Ông cũng đề nghị các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra phải làm rõ hơn “những điểm sáng nhất” của kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Quochoi.vn)
Theo Chủ tịch Quốc hội, dịch bệnh dù diễn biến phức tạp nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, giúp duy trì ổn định đời sống kinh tế- xã hội. So với các đợt trước đây, đợt dịch lần này lây nhiễm phạm vi rộng hơn, số ca tăng nhanh hơn, chủng mới nguy hiểm hơn nhưng đến nay chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, kể cả các chuỗi cung ứng.
“Hôm qua, Samsung cho biết cơ bản vẫn đảm bảo chuỗi cung ứng, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng…”- Chủ tịch Quốc hội thông tin và cho rằng “làm được như vậy là quá tốt, phải làm nổi bật lên”.
Ông Vương Đình Huệ cũng đánh giá xuất nhập khẩu đạt tăng trưởng tốt, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Cạnh đó, giá cả cơ bản ổn định dù một số mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng. “Giá bất động sản, giá vật liệu xây dựng như thép có thời kỳ tăng đột biến nhưng chúng ta cơ bản vẫn kiểm soát được”- ông Huệ nói.
Một “điểm sáng” khác được Chủ tịch Quốc hội nhắc tới là đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; giải ngân 5 tháng được hơn 7 tỉ USD, góp phần hỗ trợ tăng trưởng…
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức phải đối mặt. Cụ thể, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chiến lược vaccine có nhiều thách thức và có rủi ro “lỗi nhịp” với thế giới.
“Lỗi nhịp nhiều hay ít phụ thuộc vào chúng ta, vì định hướng có hết rồi”- ông Huệ nói và yêu cầu “phải chạy đua với thời gian” để khắc phục điều này vì tỷ lệ tiêm chủng hiện vẫn còn thấp.
Thách thức khác, theo Chủ tịch Quốc hội, là cầu trong nước rất yếu. Ông dự báo tình hình “có thể còn yếu nữa”, nhất là du lịch, dịch vụ, hàng không đang bị ảnh hưởng rất nặng nề…
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, tính chung 5 tháng đầu năm chỉ tăng 9,9%.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công và có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là ODA mới được vài %, ở mức rất thấp…
“Chính phủ và Quốc hội phải đồng hành để giải quyết những vướng mắc này. Đây là những vấn đề thực sự, chúng ta đừng nói tránh đi”- ông Huệ nói.
Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đang gặp rất khó khăn; cổ phần hoá, thoái vốn, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn trì trệ… “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quốc hội giao 2 năm rồi chưa ra được thì căn cứ đâu để làm đường cao tốc, đường sắt, đường bộ, các dự án đầu tư… Rồi chiến lược cải cách thuế bao năm rồi chưa xây dựng được, cứ sửa từng tí một…”- ông Huệ nói.
Định hướng cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải bảo đảm cho được ổn định kinh tế vĩ mô, điều chúng ta đã dày công xây dựng thời gian qua. Cạnh đó, cần kiên trì thực hiện “nhiệm vụ kép”, nhưng đối với từng thời điểm, từng địa phương phải có những ưu tiên phù hợp. “Chỗ có dịch, chúng ta phải coi trọng hơn việc chống dịch, chỗ chưa có dịch thì đẩy mạnh sản xuất. Tổng quan vẫn phải xác định phòng, chống dịch, kiểm soát dịch là mục tiêu hàng đầu”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu “tận dụng tối đa phát triển kinh tế số”. Đồng thời bám sát Kết luận 07 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội…
6 tháng đầu năm GDP đạt khoảng 5,8% Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sáu tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỉ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. “Tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo sáu tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra”- ông Dũng nói và cho biết mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ là 6,22%. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực. “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên ‘tích cực’”- ông Dũng cho biết. Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực... Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn; các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn. “Cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn”- Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này. |
Nguồn: https://ift.tt/2Su20Ge...Nguồn: https://ift.tt/3grHdfs
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20-7 tới, Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao...
0 nhận xét:
Post a Comment