Hà NộiNút giao vành đai 4 - đại lộ Thăng Long có dạng hoa thị, là một trong bốn đoạn được lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ của tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức vừa tổ chức hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ nút giao giữa vành đai 4 với đại lộ Thăng Long, tỷ lệ 1/500. Đây là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định giữa phần đất người dân được xây dựng công trình và phần đất dành cho giao thông.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, việc công bố chỉ giới đường đỏ là tiền đề để huyện tiếp tục nhận bàn giao mốc giới, giải phóng mặt bằng. Huyện sẽ cắm mốc giới nút giao đồng thời với việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của thành phố. Thời hạn là đến tháng 6/2023 đạt 70% và chậm nhất đến ngày 31/12/2023 đạt 100%, bàn giao cho chủ đầu tư.
Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn qua huyện Hoài Đức, dài hơn 17 km, đi qua 13 xã. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án hơn 240 ha với hơn 9.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khu vực thu hồi đất liên quan đến 5 nghĩa trang với khoảng 7.000 ngôi mộ thuộc 10 xã.
Đến nay, huyện Hoài Đức đã nhận bàn giao 285 mốc giới trên thực địa. UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Tổ công tác giúp việc; thường xuyên giao ban, làm việc với cơ sở triển khai nhiệm vụ.
TP Hà Nội lập chỉ giới đường đỏ 4 đoạn của dự án vành đai 4. Ngoài đoạn trên, ba đoạn còn lại là từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (11 km); đoạn hai từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (9,6 km) và đoạn từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở (19,5 km).
Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Chính phủ yêu cầu ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.
Võ Hải
0 nhận xét:
Post a Comment