Cưỡng chế hàng loạt ngư dân cố ở lại tàu - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Cưỡng chế hàng loạt ngư dân cố ở lại tàu

Xuống vận động thuyền viên lên bờ trú bão, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bị chất vấn ngược "tàu chìm ai chịu trách nhiệm".

Tại cuộc họp Ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão Noru tối 27/9, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho biết một tiếng trước đã đi kiểm tra việc ngư dân ở lại trên tàu, phát hiện còn rất nhiều thuyền viên không chịu lên bờ đến nơi trú tránh bão, vì sợ không có người tát nước sẽ đắm tàu. Tổng cộng có khoảng 100 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) và hơn 30 người ở Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn).

Lực lượng chức năng kiểm tra âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) chiều 27/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Lực lượng chức năng kiểm tra âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) chiều 27/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Quảng trực tiếp xuống vận động hai người nhưng họ nhất quyết không lên. "Họ còn chất vấn ngược lại tôi là nếu lên, tàu chìm ai chịu trách nhiệm", ông Quảng nói, nhấn mạnh việc người dân lo ngại tài sản là trở ngại với công tác di dân đi khỏi các tàu vào lúc này. Thậm chí có trường hợp đưa lên bờ rồi họ lại lẻn về lại tàu.

Đến 19h, lực lượng chức năng đã cưỡng chế toàn bộ 34 người ở Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn) lên bờ. Chính quyền bố trí chỗ ở, quần áo, chăn mền, thức ăn cho họ. Hiện còn hơn 90 người ở âu thuyền Thọ Quang được phép ở dưới tàu để bơm hết nước khỏi tàu trước khi lên bờ.

Đà Nẵng đã giao Sở Giao thông Vận tải lập biên bản với các chủ tàu để người ở lại. Nếu có tai nạn, chết người thì thành phố sẽ xử lý trách nhiệm hình sự. Lực lượng biên phòng cũng được giao lập biên bản và cưỡng chế tất cả người dân lên bờ.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết đã phối hợp với Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đến từng tàu thuyết phục, nhiều người đã chịu di chuyển. Song có một số người vẫn không chịu đi.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết một số nơi không thể di dời dân. "Từ nay đến khi bão đổ bộ, chúng tôi tiếp tục di dời, có thể phải sử dụng các biện pháp mạnh", ông Hưng nói.

Quảng Trị đã di dời hơn 12.000 dân, ở ghép xen kẽ với nhà kiên cố hoặc đến trường học. Hơn 2.300 tàu bè, hơn 6.000 ngư dân được di dời, sơ tán, không còn người trên các tàu thuyền, chòi nuôi trồng thuỷ sản. Tỉnh đã lên phương án đối phó lũ quét, lũ ống sau bão. Hồ đập đã được hạ mực nước xuống khoảng 45% để sẵn sàng cắt lũ.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các địa phương còn người trên tàu phải cưỡng chế. "Không còn nhiều thời gian, ở lại trên tàu rất nguy hiểm", ông nói.

Video vận động những người dân cuối cùng rời tàu thuyền

Công an, bộ đội vận động người dân rời tàu cá. Video: Nguyễn Đông

Tính đến 18h, từ Quảng Trị tới Bình Định, chính quyền sơ sán hơn 81.000 hộ với 253.000 người (đạt 71%). Hiện còn gần 4.800 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú. Hiện không còn tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Lúc 20h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết bão Noru còn cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 180 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13-14, giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam tháng 9/2006; bão Ketsana vào Quảng Nam - Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009.

Nguyễn Đông - Gia Chính

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment