Quảng NinhGa Hạ Long được đầu tư hơn 300 tỷ đồng, nhưng gần hai năm qua không đón chuyến tàu nào, biến thành chỗ đỗ xe, họp chợ.
Ga Hạ Long nằm trong tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân, thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Công trình khởi công năm 2005, đưa vào sử dụng tháng 10/2011, công suất đón 10-11 đôi tàu khách mỗi ngày.
Được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, ga Hạ Long có phòng chờ, nơi bán vé, nhà điều hành, khu làm việc của nhân viên. Đặc biệt, nhà ga có đường ngầm giúp hành khách sang tuyến đường ray khác mà không phải vượt đường ray; có khu bán hàng lưu niệm, phòng vui chơi cho trẻ; khu bán hàng ăn.
Tuy nhiên, sau gần chục năm hoạt động, nhà ga mỗi ngày chỉ đón một đoàn tàu hỗn hợp khách và hàng hóa từ Yên Viên (Hà Nội) đến với vài chục khách, lượt về gần như không có hàng. Gần hai năm nay không còn chuyến tàu nào ghé qua.
Lý giải tàu không lui tới ga, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, cho biết do toàn tuyến Yên Viên - Cái Lân chưa hoàn thiện và hạ tầng đường ray không đồng bộ. Khổ đường ray của tuyến Yên Viên - Cái Lân theo tiêu chuẩn quốc tế 1.435 mm, chỉ kết nối đến Hà Nội - Thái Nguyên - Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Vì thế tàu chạy từ Hạ Long lên Yên Viên phải đi vòng qua ga Kép (Bắc Giang) rồi theo tuyến Hà Nội - Lạng Sơn để về ga Yên Viên. Hành trình hết 7 tiếng, trong khi nếu đi ôtô mất 3 tiếng.
Không có tàu, hàng ngày trưởng ga Nguyễn Đức Tân cùng ba nhân viên thay nhau trực, dọn dẹp nhà ga. "Vẫn được trả lương nhưng không có tàu chạy chúng tôi buồn lắm. Không biết số phận tuyến đường sắt này thế nào", ông Tân nói.
Hiện nay, phần diện tích xung quanh nhà điều hành của ga Hạ Long được trưng dụng làm chỗ đỗ xe, tập kết hàng hóa và họp chợ. Trên đường ray, các tòa tàu nằm im lìm, hoen gỉ. Nhà điều hành hai tầng, mái kính vắng tanh.
Trước tình trạng trên, mới đây cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Ngày 13/9, trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Giao thông Vận tải cho biết quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục xác định hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đảm bảo tính kết nối và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương dọc tuyến.
Tuy nhiên, dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu và thực tiễn đã có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực triển khai dự án. Căn cứ Luật Đầu tư công 2019 và quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai. Bộ cũng sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai đầu tư sau khi có đánh giá tổng thể dự án.
Dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), tổng đầu tư 7.665 tỷ đồng và chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Khởi công từ năm 2005, đến nay chỉ có tiểu dự án một, đoạn Hạ Long - Cái Lân đã hoàn thành. Ba tiểu dự án còn lại là Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đã đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục.
Lê Tân
0 nhận xét:
Post a Comment