Đà NẵngAnh Đào Đặng Công Trung, 43 tuổi, được ví như dị nhân nhờ khả năng lặn tự do sâu đến 15 m để cắt lưới bị vứt lại dưới biển, nhặt rác cứu san hô.
Sáng sớm ngày cuối tháng 9, tranh thủ buổi nghỉ làm ở khu nghỉ dưỡng 5 sao lớn nhất Đà Nẵng, anh Trung lại mang chân vịt, kính lặn, đồ bơi, túi lưới và một chiếc kéo loại chuyên dụng đến lặn biển Sơn Trà.
Tận dụng lúc nước trong, anh Trung với mái tóc xoăn, màu da bánh mật nhoài người qua những bãi đá lởm chởm rồi ngụp sâu xuống nước, nơi có những vỉa san hô lớn nhiều màu sắc kéo dài từ bờ ra khoảng 50 m. Trong ít phút, gần chục lon bia, túi nylon được anh gom vào túi lưới rồi kéo đi nhẹ nhàng dưới nước.
Phát hiện mảnh lưới ma - tấm lưới đánh cá bị rách đã mắc vào rạn san hô, anh Trung hít một hơi rồi lặn xuống độ sâu 12 m, mày mò tiếp cận rồi dùng kìm cắt từng đoạn. Phải mất gần chục lần bơi lên mặt nước hít oxy rồi quay trở lại đáy biển, anh mới cắt hết được tấm lưới bám đầy tảo.
Bốn tiếng ở dưới nước, anh Trung cắt năm tấm lưới ma và những sợi dây thừng bám vào san hô, nhặt được gần 30 vỏ chai, lon, đĩa nhựa, túi nylon. Số rác này không đáng là bao so với 6 năm trước, khi mỗi lần lặn biển anh mang lên bờ khoảng 20 kg rác thải nhựa. "Càng nhặt được ít rác tôi càng vui, vì khi đó ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã tăng lên", anh nói.
Trong những loại rác thải dưới biển, anh Trung cho biết cắt lưới ma là khó nhất. Muốn cắt sạch phải tìm ra mối của nó, sau đó dùng kéo hoặc dao sắc cắt dứt khoát. Quan trọng nhất là phải đủ kiên nhẫn, nếu thiếu hơi thì phải ngoi lên mặt nước thở, rồi lặn xuống, không được sốt ruột vì chỉ cần lỡ tay kéo mạnh là làm gãy san hô. "Lưới ma là kẻ thù của san hô nên cần loại bỏ, chỉ cần gặp cơn sóng đánh vào bờ là sẽ giật gãy san hô", anh nói thêm.
Quê ở làng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, khi lên 5 tuổi cậu bé Trung được cha, vốn là vận động viên bơi lội, dạy những kỹ năng đầu tiên về bơi lội. Thích thú vẫy vùng dưới nước, nhiều hôm Trung theo lũ bạn chăn bò đi bơi, có lúc đuối quá phải bám đuôi bò qua sông.
Mùa nước lũ từ thượng nguồn núi Ngọc Linh đổ về sông Thu Bồn chảy xuống Hội An, Trung lại bày trò cùng chúng bạn đóng bè chuối để thỏa sức chơi đùa. Nhờ được cha truyền dạy và thích thú với bộ môn này, năm học lớp 2 Trung đã được chọn vào câu lạc bộ bơi của trường tiểu học Tống Viết Sương gần nhà.
Trung rèn luyện bơi hàng ngày và đạt được một số thành tích ở các cuộc thi. Nhưng để hoàn thiện kỹ năng bơi lội của mình, phải đến năm 2003, khi đi làm cho khu resort 4 sao đầu tiên ở Hội An, anh tham gia đội cứu hộ và được đi học khóa huấn luyện do HLV Australia đào tạo.
Năm đó, anh Trung đoạt huy chương đồng trong cuộc thi bơi với các kiện tướng về bơi lội. Nhận chứng chỉ lặn và cứu hộ quốc tế, anh quyết định bơi vượt biển từ đảo Cù Lao Chàm vào bờ, dài 18 hải lý (khoảng 33 km). Anh hai lần vượt biển thành công bằng bơi tự do, không cần dùng phao.
Tháng 9/2011, anh ra Đà Nẵng lập nghiệp, làm việc cho một resort cao cấp trên bán đảo Sơn Trà và bắt đầu thói quen mới - nhặt rác ở những khu rừng mình đi qua hàng ngày. "Tôi không nghĩ một ngày lại lặn xuống biển lấy rác như bây giờ", anh Trung nói, kể năm 2012 khi lặn xuống biển gần khu resort khảo sát san hô cho khách tham quan, anh chưa thấy có rác nhựa. Ba năm sau anh dẫn khách quay lại và không ngờ lại nhiều lưới ma, vỏ lon dưới biển như vậy.
Từ đó công việc nhặt rác của anh Trung dịch chuyển từ trên rừng xuống đáy biển. Thông thạo từng vùng biển, từ tháng 6 đến cuối tháng 8, tận dụng trời nắng và nước biển trong, hàng tuần anh dành hai buổi đi lặn biển, mỗi lần lặn từ 4 đến 5 tiếng. "Có ngày tôi kiếm cả trăm chai", anh nói, khoe những bức hình chụp cùng hàng trăm vỏ lon bia, chai nhựa, có lúc cả thùng phuy được vớt lên.
Theo anh Trung, ngoài biến đổi khi hậu làm san hô chết thì ô nhiễm rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. San hô chỉ sinh trưởng ở vùng xích đạo và cận xích đạo, nơi có nguồn nước sạch, trong. Mỗi năm loài này chỉ lớn thêm được một cm nên nếu để một rạn san hô bị chết hay gãy thì phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trong điều kiện môi trường sống phù hợp chúng mới phát triển lại như cũ.
Tập luyện qua nhiều năm, anh có khả năng nín thở tối đa 2 phút, lặn tự do 10-15 m, nhưng thường lặn tối đa xuống độ sâu 12 m. Có lần phải cố lặn xuống đáy biển sâu 15 m để lấy một búi lưới ma, khi lên mặt nước anh bị choáng. Từ đó về sau anh hạn chế lặn quá sâu và thường lặn nhanh nhưng lên chậm để điều áp.
"Tôi thường hít một hơi thật sâu, dùng kỹ thuật bơi để xuống nước, khi đến đáy rồi thì dùng tay bám những vách đá giữ mình không bị nổi lên. Cũng có nơi nhiều rác nhưng vì quá sâu, đành bỏ cuộc", anh Trung chia sẻ. Mới đây anh đã sắm một bộ bình hơi gần trăm triệu đồng để quay lại lấy rác những khu vực này.
Ngồi bên chồng, chị Ngô Thị Thu Nguyệt, 33 tuổi, bảo thời gian đầu anh đi nhặt rác dưới đáy biển đã rất giận, phần vì cứ ngày nghỉ là anh đi lặn, bỏ bê gia đình, phần lo anh mải lấy rác ở biển sâu có thể nguy hiểm. "Sau này nhiều người bơi giỏi biết việc anh làm thường đi cùng hỗ trợ nên mới bớt lo hơn", chị nói.
Anh Ngô Xuân Quang, 30 tuổi, trú quận Sơn Trà, quen anh Trung từ bộ môn chèo Sup, biết anh thường lặn biển nhặt rác nên ba năm qua đã xin đi theo. "Biển với các rạn san hô như sân chơi của mình, thấy có rác làm bẩn và gây hại cho san hô nên em cùng xuống lượm để giữ sạch nguồn nước", anh Quang nói.
Điều anh Trung trăn trở là những vỉa san hô ở Sơn Trà đang bị đe dọa bởi việc khai thác du lịch lặn ngắm san hô và kinh doanh ăn uống tự phát; người dân đi cắm trại không có thói quen mang rác về, hay đưa lưới ra đánh cá rồi bỏ lại dưới biển. "Để biển không có rác thì không chỉ đồng bằng mà cả người dân ở miền núi cũng cần chung tay, không ném rác bừa bãi xuống các sông, suối. Tôi nhớ đợt lũ năm 2017, gần trăm tấn rác tấp vào bờ biển Đà Nẵng", anh Trung nói.
Ông Phan Minh Hải, Phó ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nói anh Đào Đặng Công Trung là người đầu tiên nhặt rác dưới đáy biển. "Ngoài giỏi kỹ năng bơi lội thì phải có tình yêu lớn dành cho môi trường mới kiên trì và nỗ lực làm được như anh Trung", ông Hải nói, cho biết hành động của anh đã đánh thức được ý thức bảo vệ môi trường cho nhiều người dân thành phố.
"Chúng tôi đã vận động thêm các câu lạc bộ chèo Sup, Kayak... cùng nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà, đồng thời kêu gọi được hơn 40 người giỏi bơi lội đăng ký vào Biệt đội giải cứu san hô để giúp các rạn san hô phục hồi và phát triển, từ đó thành phố mới có tài nguyên khai thác sản phẩm du lịch độc đáo", ông Hải nói.
Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch được chính quyền thành phố giao cho quản lý 5 điểm có rạn san hô. Ông Hải cho biết đang xây dựng phương án quản lý và khai thác Bãi Nam (nơi có nhiều hoạt động du lịch tự phát tác động đến san hô). Riêng khu vực Hòn Sụp rất đông người chèo Sup ra chơi sẽ được giới hạn khu vực được hoạt động 650 m để bảo vệ san hô.
0 nhận xét:
Post a Comment