TP HCMThị trường lao động đối mặt nghịch lý khi hàng loạt công nhân thất nghiệp do nhà máy giảm đơn hàng, song nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất khó tuyển được người.
Một tháng qua, Tập đoàn may thêu Thuận Phương rao tuyển 200 lao động làm việc tại trụ sở chính ở quận 6 và các nhà máy thuộc quận 12, huyện Bình Chánh và Long An. Tùy vào tay nghề, thu nhập của công nhân may đạt 7-13 triệu đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh như nhân viên của công ty giới thiệu, mạng xã hội và Trung tâm dịch vụ việc làm quận 6 kết nối. Tuy nhiên, số người đến nộp hồ sơ không như kỳ vọng.
Theo ông Bùi Văn Duy, phụ trách tuyển dụng của Thuận Phương Group, thị trường không còn cạnh tranh gay gắt như đầu năm nhưng công nhân vẫn khó kiếm. Đối với lao động trẻ từng có thời gian làm thời vụ, kinh doanh online, chạy xe ôm công nghệ... quen nhận lương theo ngày, tuần giờ đây không muốn nhận lương tháng, ngại đi làm đúng giờ, tăng ca.
Ngoài ra, nhà máy trả lương sản phẩm, nhiều công nhân mới chuyển đổi, chưa có tay nghề, thu nhập chỉ đạt mức 7-8 triệu mỗi tháng, thấp hơn công việc trước đây nên làm được vài tháng lại "nhảy" việc.
Bên cạnh lý do từ người lao động, theo ông Duy vị trí đặt nhà máy cũng là yếu tố khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn. Chi phí sinh hoạt ở TP HCM ngày càng đắt đỏ. Nếu công nhân đang có việc làm sẽ cố gắng bám trụ nhưng khi mất việc, không còn ràng buộc họ sẽ chọn về quê hoặc chuyển sang khu vực khác để giảm chi phí thay vì tìm việc mới ở các nhà máy xung quanh.
Ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Toàn Thắng ở Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP Thủ Đức), nói rằng sau thời gian dài thị trường "khát" lao động khiến công nhân có tâm lý kén chọn, góp phần làm cung – cầu lệch pha.
Nhà máy Toàn Thắng, chuyên sản xuất cá hộp xuất khẩu, thiếu hơn 150 lao động, tuyển từ đầu năm đến nay nhưng không đủ số lượng. Thu nhập của người mới 10-11 triệu đồng mỗi tháng vẫn không đủ hấp dẫn công nhân. Theo ông Giai, đặc thù ngành này lao động làm việc môi trường nhiệt độ thấp, mùi cá nên nhiều người chê.
Một khảo sát về nhu cầu tuyển dụng 6 tháng cuối năm do Manpower Group Việt Nam công bố hồi tháng 8 cho thấy 88% trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp có ý định gia tăng tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại, chủ yếu lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, thương mại, tài chính – ngân hàng. 24% đơn vị tham gia khảo sát cho biết đang cần tuyển lao động phổ thông. 57% công ty thừa nhận tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Có tới 45% công ty tham gia khảo sát cho biết có ý định sử dụng lao động thời vụ, bán thời gian trong ba đến sáu tháng tới.
Số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy dự kiến 6 tháng cuối năm, thành phố cần khoảng 136.000 - 150.000 lao động. Trong đó thương mại dịch vụ chiếm hơn 65%, công nghiệp – xây dựng chiếm gần 34%.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành toàn quốc, dịch vụ cho thuê lại lao động của Manpower Group Việt Nam, đánh giá tình trạng thừa lao động mang tính cục bộ. Khu vực Đông Nam Bộ như TP HCM vẫn thiếu lao động, khó tuyển người nhưng các tỉnh lại thừa do làn sóng hồi hương từ đợt dịch năm ngoái.
Ở một số ngành đặc thù như gỗ đang sụt giảm đơn hàng mạnh buộc cắt giảm lao động. Lượng lớn công nhân của ngành bị thừa. Tuy nhiên lượng lớn lao động của ngành gỗ chủ yếu là nam trong khi các nhà máy thực phẩm, điện tử muốn tuyển công nhân nữ. "Thị trường sẽ chứng kiến dư thừa lao động liên quan giới tính nhiều hơn", ông Sơn nói.
Một nguyên nhân khác, nhiều lao động sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh đã tiêu hết khoản tích lũy. Vì vậy họ muốn tìm các công việc tăng ca nhiều để đẩy lương lên cao. Nhiều nhà máy chuyên làm hàng xuất sang các thị trường khó tính, buộc tuân thủ quy định thời giờ làm việc đúng pháp luật, không thể cho làm thêm quá nhiều, khó tuyển được người giai đoạn này.
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ nhân sự, ông Sơn cho rằng nguyên nhân sâu xa của cung – cầu lao động lệch pha, nơi thừa, chỗ thiếu khi thị trường gặp các sự cố như dịch bệnh, kinh tế suy thoái bởi đang thiếu một trung tâm điều phối, quản lý nguồn lao động cho cả nước.
Ông Sơn đề xuất các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc cần liên kết với nhau, xây dựng nguồn dữ liệu chung về người thất nghiệp, lao động trong độ tuổi, phân loại theo trình độ, mong muốn cơ hội việc làm, khả năng di chuyển đến các địa phương.
Bên cạnh đó, trung tâm điều phối này cũng xây dựng dữ liệu doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với các thông tin đã được thẩm định. Lao động tìm việc, doanh nghiệp cần người có thể tiếp cận nguồn dữ liệu này để kết nối hoặc trung tâm điều phối, giới thiệu hai bên gặp nhau. Hiện, trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh vẫn hỗ trợ doanh nghiệp tìm người nhưng chỉ gói gọn tại địa phương.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Giai cho rằng đang thiếu đầu mối tiếp nhận, phân phối nguồn lao động từ cơ quan quản lý nhà nước. Ông Giai ví dụ nhà máy Toàn Thắng nằm giáp ranh Bình Dương - địa phương nhiều tháng qua ghi nhận hơn 330 doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn phải cắt giảm, cho công nhân nghỉ không hưởng lương, với tổng số 41.000 người bị ảnh hưởng. Nhiều người không tìm được việc phải bỏ về quê. Tuy nhiên, Toàn Thắng không tiếp cận được số lao động này để tuyển.
Thực tế vẫn có những lao động cần việc, không ngại khó khăn nhưng thông tin tuyển dụng không đến được họ. Điển hình lao động ngành gỗ vốn chịu khó, chấp nhận điều kiện làm việc vất vả để kiếm tiền ở những công ty có môi trường làm việc, mức lương tương đồng hoàn toàn phù hợp. Nếu các thông tin này được cơ quan quản lý đăng tải rộng rãi thông qua một trung tâm điều phối các nhà máy thiếu lao động sẽ chủ động đến tận nơi tuyển người.
Lê Tuyết
0 nhận xét:
Post a Comment