'Thu nhập của người lao động tăng khá' - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

'Thu nhập của người lao động tăng khá'

Thu nhập bình quân của người lao động quý II đạt 6,6 triệu đồng, tăng hơn 200.000 đồng so với quý I, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Sáng 18/9, tại phiên thảo luận thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh (diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022), ông Lâm Văn Đoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập của người lao động quý II/2022 có tốc độ tăng khá, 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542.000 đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.

Hai vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất. Hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức thu nhập cao.

Theo ông Đoan, từ khi Việt Nam chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn, lực lượng lao động đã tăng nhanh lên 51 triệu (từ 15 tuổi); lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 giảm, còn 8 triệu người bị tác động. Số người thất nghiệp cũng giảm mạnh, giảm 41.000 so với quý trước, còn 1,1 triệu. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước.

Số người thiếu việc làm giảm mạnh ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ (với 880.000 người). Nhóm thiếu việc làm chủ yếu là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài "đã có dấu hiệu phục hồi" khi 9 tháng đầu năm có 81.000 người ra nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên, ông Đoan cho rằng, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm cả về ngành nghề, địa bàn đều không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. "Trình độ và kỹ năng lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất", ông Đoan nói, cho biết cả nước mới có 66% lao động qua đào tạo.

Ông khuyến cáo, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản để chuẩn bị thay đổi chính sách xã hội, thích ứng với già hóa dân số...

Phiên thảo luận thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh do PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì.

Các đại biểu thảo luận về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng và một số giải pháp thời gian tới. Ngoài ra, một số nội dung khác cũng sẽ được góp ý như nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới; mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đến tháng 9, gần 13 triệu lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 với số tiền 30.800 tỷ đồng; hơn 346.000 doanh nghiệp được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động với trên 7.500 tỷ đồng. Hơn 3.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động đã được giải ngân.

Diễn đàn Kinh tế Xã hội do Quốc hội chủ trì tổ chức. Dự kiến, trên 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, với hai phiên thảo luận chuyên đề và một phiên toàn thể. Phiên 1 bàn luận về đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phiên 2, các chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao sẽ bàn luận về củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Viết Tuân

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment