Việc chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch; tránh thông thầu, "quân xanh, quân đỏ, bán thầu"; dự án kém, chậm tiến độ sẽ bị chuyển vốn sang nơi khác, Thủ tướng chỉ đạo.
Chiều 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. "Giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội", ông nói và đề nghị các đơn vị vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 hoàn thành 5.000 km cao tốc. Nhà nước dành nguồn vốn lớn phát triển hạ tầng giao thông. "Đường đi đến đâu, văn minh đến đó. Nơi nào giao thông phát triển thì kinh tế - xã hội phát triển", Thủ tướng nói.
Cho rằng "nếu cứ làm như kiểu cũ" thì với khối lượng lớn hiện nay, các dự án sẽ chậm", Thủ tướng yêu cầu thay đổi cách nghĩ, cách làm. Vướng ở đâu, người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp giải quyết trên tinh thần là đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để khiếu kiện kéo dài khi giải phóng mặt bằng.
"Các bộ, ngành phải cử cán bộ tới tận công trình nắm bắt tình hình, cùng giải quyết với tinh thần vì cái chung, coi công việc, sự khó khăn của đơn vị, địa phương khác cũng của chính mình", Thủ tướng nhắc nhở.
Ông đề nghị Bộ Công an, cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong đấu thầu. Với các dự án hợp tác công - tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn địa phương chọn nhà đầu tư có năng lực. Địa phương không để thiếu vật liệu kéo dài. Dự án kém, chậm tiến độ sẽ bị chuyển vốn sang nơi khác.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết- Dầu Giây dứt khoát hoàn thành năm 2022. Các tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phải hoàn thành thẩm định và phê duyệt, để khởi công. Đường Hồ Chí Minh cơ bản được nối thông năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải cùng địa phương cần khởi công cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước 30/6/2025.
Với Hà Nội và TP HCM, Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai các dự án đường sắt, vì càng kéo dài càng kém hiệu quả. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung làm sân bay Long Thành, đấu thầu công khai, minh bạch; chọn một tổng thầu có kinh nghiệm; không chia nhỏ các gói thầu bởi tiềm ẩn tiêu cực.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, địa bàn có 3 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông. Trong đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua nguồn vốn ngân sách bổ sung gần 2.000 tỷ đồng; khúc mắc với các nhà thầu nước ngoài đang được giải quyết, chuẩn bị trở lại thi công.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố đã giao các huyện làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng. Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ cùng Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên làm việc với các tỉnh lân cận để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu cho dự án ngay từ thời điểm này.
Về tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ông Thanh cho hay, nếu được thông qua vị trí nhà ga C9 sát hồ Gươm có thể sớm khởi công dự án.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường vành đai 3 cơ bản đáp ứng tiến độ, tháng 9 hoàn tất giao ranh giới mốc; tháng 11 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến tháng 12/2022 chạy thử một đoạn trên cao 10 km đi qua TP Thủ Đức để năm sau đưa vào khai thác thương mại. Riêng đoạn kéo dài từ Suối Tiên đến Đồng Nai và Bình Dương, TP HCM sẽ có báo cáo tính toán quy hoạch để kéo dài thêm.
Ngoài ra, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến tháng 12 khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật và xin điều chỉnh thời gian dự án.
Riêng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn; nếu việc thẩm định, phê duyệt, hoàn tất thủ tục thì sẽ khởi công năm 2023.
0 nhận xét:
Post a Comment