Thầy giáo hằng ngày dậy 4h sáng đi lấy bánh mì cho học sinh, thiếu tá biên phòng 3.600 ngày vận động người dân làm kinh tế… là những câu chuyện truyền cảm hứng trong tối 30/10.
Chương trình Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2022 diễn ra tối 30/10 mang đến nhiều câu chuyện xúc động từ những cá nhân, tập thể điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ là giáo viên, chiến sĩ phòng cháy, bộ đội, y bác sĩ, nông dân, người khuyết tật... với điểm chung tài năng, sáng tạo trong xây dựng đất nước, đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Sống cạnh lòng hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), cô Quách Thị Bích Nụ, giáo viên trường Mầm non Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc) đã 17 năm lái đò trên sông Đà đưa học sinh tới trường, chưa một ngày ngơi nghỉ. Xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng nằm lọt thỏm trong lòng hồ thủy điện. Lũ trẻ muốn tới trường buộc phải đi thuyền nhưng phần lớn các hộ không có phương tiện đưa đón con.
Cô Nụ bán đi cặp bò mà cha mẹ cho làm của hồi môn, sắm một chiếc thuyền rồi hằng ngày đón học sinh từ hơn 5h sáng. Có hôm hết xăng, thuyền lênh đênh giữa dòng, cô giáo phải chèo tay. Những ngày mưa tầm tã, cô lẫn trò ướt nhẹp. Có hôm ốm nhưng cô không dám nghỉ, bởi ngơi tay chèo đồng nghĩa học sinh cũng phải nghỉ theo.
Trên sân khấu tối 30/10, cô Nụ bất ngờ khi gặp là Xa Thị Thanh Ngoan, sinh viên Cao đẳng Hòa Bình, học trò từng 8 năm ngồi đò của đến trường. Ngoan mang tặng cô giáo cũ chiếc áo mưa dày để thay chiếc cũ đã mặc suốt nhiều năm đưa đò.
"Mình chỉ góp chút sức để sau này học sinh sẽ tiến bộ hơn", cô Nụ ước mong những đứa trẻ Đồng Ruộng sẽ sớm bước chân ra khỏi lòng hồ thủy điện để đi xa hơn.
Bước ra sân khấu với xe đẩy bánh mì, thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (Gia Lai) mang đến câu chuyện về cách thầy cô giữ chân học sinh lại với mái trường. Xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, nơi đặt điểm trường với 90% dân số là đồng bào Ba Na và là một trong những địa bàn khó của cả nước. Thấy học sinh hay trốn về giữa buổi, các thầy cô đến nhà tìm hiểu, ứa nước mắt nhìn trò ăn vội củ sắn nướng hay cơm nguội đã đổi màu. Ngày mùa, cha mẹ thường lên nương rẫy và ở lại cho đến khi thu hoạch xong nên con cái ở nhà sẽ tự lo liệu. Các em vì thế bữa đói bữa no.
"Phải làm một điều gì đó thôi", thầy Tùng quyết định và mang chuyện kể với người bạn là chủ một lò bánh mì. Người đó hứa mỗi tuần sẽ tặng cho học sinh của thầy 60 ổ bánh mì ăn sáng. Nhờ sự lan tỏa của cộng đồng, bữa ăn của 200 học trò có thêm xôi, bánh bao giúp các em no bụng, tiếp tục đến trường. Tiểu học và THCS Đinh Núp là một trong những trường duy trì sĩ số đầy đủ nhất huyện.
Nhắc lại lời dạy của Hồ Chủ tịch rằng người thầy phải rèn cả đức lẫn tài, nêu gương cùng với tình thương học trò, thầy Tùng nói đó là động lực để thầy cô trong trường luôn dậy từ 4h sáng mỗi ngày để đi nhận bánh mì, xôi phát cho học sinh kịp ăn để vào học, nhất là mùa mưa.
Ở tuổi gần 80, TS Bùi Thị Hồng Tiến, Giám đốc Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn giữ chiếc hộp thiếc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 1959, khi đến thăm Phủ Chủ tịch. Lời dặn "Các cháu hãy học tập thật tốt để sau này phục vụ nhân dân" của Hồ Chủ tịch in sâu vào tâm trí cô học trò 15 tuổi thuở ấy, trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời tận hiến của nữ trí thức sau này. Thay vì nghỉ ngơi khi về hưu, bà Tiến vẫn cùng Hội đồng quản lý quỹ miệt mài kết nối giúp các học sinh nghèo được nhận học bổng tiếp sức đến trường, lan tỏa tri thức cho xã hội.
Hay thiếu tá Thào Pù Páo, Phó bí thư Sán Chải (huyện Ma Cai, Lào Cai) với 3.600 ngày gắn bó với biên cương, vận động người dân không vượt biên trái phép, tích cực chăn nuôi trâu bò để thoát nghèo. Chị Nghiêm Thị Thu Hường, chủ cơ sở may ở tỉnh Lạng Sơn, mở xưởng tạo việc làm và thu nhập cho gần 100 người khuyết tật.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến vượt khó.
Ông xúc động và trân trọng người giáo viên 80 tuổi không một ngày nghỉ ngơi để khuyến học khuyến tài; một cô giáo bản lĩnh băng giữa dòng nước dữ đưa học sinh tới trường; người nông dân ngày đêm trăn trở cho ruộng đồng thêm thóc lúa... Họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có điểm chung là tấm lòng tận hiến. Ông mong các tấm gương tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp, góp phần làm cho tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tinh thần trong toàn xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi Mới, đất nước "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đời sống nhân dân được nâng cao, an sinh đảm bảo. Sự kiện Việt Nam trúng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 còn là lời khẳng định về nỗ lực và thành quả trong chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng chế độ nhân văn vì con người.
"Đó chính là sự tiếp nối hành trình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi mở và dẫn đường" ông nói và đề nghị thời gian tới, các cấp ngành cần nghiên cứu mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong toàn xã hội.
Hồng Chiêu
0 nhận xét:
Post a Comment