Sân bay chuyên dùng Hớn Quản sẽ được lập quy hoạch trên cơ sở mở rộng sân bay Tecnic nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng.
Ngày 12/11, UBND tỉnh Bình Phước cho biết vừa nhận văn bản của Bộ Quốc phòng đồng ý để tỉnh quy hoạch sân bay Hớn Quản (tên cũ là Tecnic, do người Pháp xây dựng, hiện quân đội quản lý) thành sân bay chuyên dùng.
Bộ Quốc phòng đề nghị tỉnh Bình Phước thực hiện quy hoạch sân bay phù hợp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lập hồ sơ xin phê duyệt vị trí sân bay theo Nghị định số 42 về trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất giao cho tỉnh Bình Phước quản lý sân bay hiện hữu rộng hơn 100 ha. Tỉnh sẽ lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400-500 ha theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo UBND Bình Phước, thời gian tới tỉnh sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước với nhiều khu, cụm công nghiệp như: Chơn Thành 1, 2, 3; Minh Hưng 3, khu Kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Đồng Xoài 1, 2, 3... Đồng thời, tỉnh có trên 260 km đường biên giới với Campuchia. Hiện gần tỉnh Bình Phước có sân bay Tân Sơn Nhất với khoảng cách gần 130 km.
Sân bay chuyên dùng chỉ dùng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để khai thác hàng không chung hoặc chở khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi, không phải vận chuyển công cộng. Sân bay chuyên dùng bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia với cộng đồng, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chủ quyền và phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế.
Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Văn Trăm – Phước Tuấn
0 nhận xét:
Post a Comment