Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất cơ chế chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế đặc chủng, chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất chế tạo và bán thương mại.
Sáng 15/11, thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói, lĩnh vực trang thiết bị y tế có tốc độ phát triển rất nhanh, với nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ, bản quyền. Vì vậy, để người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất, mang tầm quốc tế, bên cạnh đào tạo nhân lực, các bệnh viện cũng phải trang bị máy móc, trang thiết bị tốt.
Tuy vậy, một số loại máy hiện đại như robot trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, nên khi mua sắm không có giá tham khảo. Với các trường hợp này, bà Hà đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu để mua sắm. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, để duy trì hoạt động, nhiều bệnh viện đã vay mượn vật tư xét nghiệm của đơn vị tư nhân. Sau đó, họ phải hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị đã vay mượn, dẫn đến vi phạm luật Đấu thầu.
Nghị định năm 2014 của Chính phủ có quy định chi tiết về đấu thầu rút gọn với thuốc trong trường hợp cấp bách, dịch bệnh nhưng với trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất thì chưa có quy định. Vậy nên, bà Hà đề nghị quy định trong dự thảo luật việc chỉ định thầu rút gọn với các loại hàng hóa trên để giải quyết khó khăn trong thực tế. Dự thảo cần phân biệt trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, để không xảy ra lúng túng khi áp dụng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện thường xuyên nhận được viện trợ, tài trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại. Nhưng trong quá trình vận hành, các loại máy này phải sử dụng dịch vụ tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua được từ nhà cung cấp khác. Do đó, bà Hà cho rằng cần có cơ chế với trường hợp trang thiết bị được nhận từ viện trợ, tài trợ.
Dự thảo Luật Đấu thầu đã bổ sung hình thức đàm phán giá đối với một số loại thuốc biệt dược, sinh phẩm tham chiếu, thuốc có ít nhà sản xuất; quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp vaccine tiêm chủng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá đây là nội dung có giá trị lớn trong giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vaccine hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo vẫn quy định tương đối đơn giản về vấn đề đấu thầu thuốc mà chưa cụ thể, nhất là với mua sắm thuốc tập trung.
Theo bà Hà, đấu thầu thuốc tập trung là một nhiệm vụ khó, phức tạp, do thực hiện ở cả trung ương và cả địa phương. Đấu thầu thuốc tập trung có nhiều khác biệt so với mua sắm hàng hóa tập trung, vì căn cứ lập kế hoạch trong đấu thầu thuốc tập trung, nhu cầu thuốc đều là dự kiến, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh và sự thay đổi liên tục về quy mô và cập nhật hướng dẫn điều trị.
Vì vậy, bà Hà đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo quy định mua sắm thuốc tập trung, trong đó nêu nguyên tắc giữa mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia và địa phương; hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu; chủ thể đánh giá hồ sơ, tổ chức mua sắm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM) nêu quan điểm "đấu thầu chỉ là phương tiện, không phải mục đích". Mục đích của đấu thầu là có được sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đấu thầu có nhiều tiêu cực nên các cơ quan phải tăng cường giám sát. "Quy trình đấu thầu phức tạp hơn, dẫn đến hệ lụy là gây tốn kém thời gian, công sức, trong khi có chống được tiêu cực hay không vẫn là câu hỏi", bà Lan nói.
Bà Phong Lan cho rằng cần xem xét lại quy trình đấu thầu, các cơ quan cũng phải đa dạng hóa phương thức để có thuốc chữa bệnh cho người dân, chứ không chỉ chăm chăm vào đấu thầu. "Thuốc là mặt hàng thiết yếu nhưng khi đấu thầu có thể xảy ra tình huống có đơn vị từ chối dự thầu hoặc phải hủy thầu, nên cần có cách giải quyết đặc biệt", bà Phong Lan nói.
Theo bà, đấu thầu thuốc đang thiếu tiêu chí quan trọng là đánh giá của bác sĩ về thuốc đó sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao. Do đó, cần Hội đồng thuốc chịu trách nhiệm về việc này, tránh tình trạng sau này cơ quan kiểm tra, điều tra có thể hỏi vì sao không chọn thuốc rẻ hơn mà chọn thuốc đắt hơn.
Ngoài ra, nữ đại biểu cũng đề xuất cơ chế để các bệnh viện được quyết định mua thuốc, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Các cơ quan có thể kiểm soát bằng các tính định suất cho bệnh viện mỗi năm có bao nhiêu bệnh nhân, cơ cấu bệnh ra sao để tính cơ cấu thuốc. "Bệnh viện cần được toàn quyền mua sắm thuốc", bà nói.
Ông Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM) cũng đồng tình cần xem thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến tính mạng người dân. Ông ủng hộ phải có ý kiến nhà chuyên môn trong mua sắm thuốc "chứ không chăm chăm vào loại giá rẻ nhất".
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất cho phép bệnh viện hạng đặc biệt hoặc tuyến cuối được chọn thương hiệu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Khi đó người nghèo vào viện công mới được tiếp cận trang thiết bị y tế hiện đại.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thống nhất quan điểm thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, cần quy định rõ ràng. "Đây là việc cần thiết, cấp bách, tôi tán thành và chia sẻ với ý kiến đại biểu", ông nói và cho biết dự luật đã có các quy định về vấn đề này. Thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát các quy định liên quan đấu thầu để đảm bảo bao quát, tạo thuận lợi khi mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, việc tách đấu thầu y tế thành chương riêng thì cần cân nhắc, bởi không thể phá vỡ kết cấu chung của dự luật và hệ thống pháp luật. "Không chỉ lĩnh vực y tế mà nhiều lĩnh vực khác cũng đặc thù, đặc biệt. Nếu mỗi vấn đề thiết kế một chương thì không hợp lý, nên cần bao quát và giải quyết vướng mắc", ông nói.
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, giữa năm 2023.
Viết Tuân - Sơn Hà
0 nhận xét:
Post a Comment