Doanh nghiệp tư nhân không phải lập Ban Thanh tra nhân dân - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Doanh nghiệp tư nhân không phải lập Ban Thanh tra nhân dân

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua đã tiếp thu ý kiến và bỏ điều khoản doanh nghiệp ngoài Nhà nước phải lập Ban Thanh tra nhân dân.

Sáng 10/11, với gần 89% đại biểu tán thành (443/455), Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định tiếp tục thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, sau khi tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo theo hướng nêu trên, trong đó không quy định lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Về đổi tên Ban Thanh tra nhân dân, do chưa có đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như hiện nay.

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Về việc điều chỉnh thực hiện dân chủ ở cơ sở với tổ chức có sử dụng lao động, do còn ý kiến khác nhau, để đảm bảo thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu. Kết quả cho thấy ý kiến đại biểu về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, tham khảo ý kiến các cơ quan có liên quan, trong đó có đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có phương án tiếp thu phù hợp. Mục tiêu là bảo đảm vừa thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không gây xáo trộn, tạo thêm gánh nặng về trách nhiệm, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo theo hướng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng thuộc khu vực ngoài Nhà nước, chỉ thực hiện theo quy định chung như nguyên tắc, phạm vi, biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án này đã được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt, nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Trước đó, cuối tháng 10/2022, 9 hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Quốc hội về quy định trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các hiệp hội trong nước nói rằng nếu áp dụng dự thảo cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp thực tế. Còn Eurocham khẳng định, dự thảo chắc chắn gây trở ngại lớn đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các hiệp hội lập luận, khác với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân vận hành bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách. Do đó, doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc quản trị mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động. Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh. Bởi vậy, nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân, luật chỉ nên dừng ở khía cạnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.

Viết Tuân

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment