Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 4/11.
Đầu giờ sáng, Quốc hội dành 40 phút tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sau phiên chiều qua. Từ 8h40, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông.
Các nội dung chất vấn gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng giải đáp về quản lý thuê bao, đầu số của nhà mạng; kiểm tra, quản lý trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Tham gia trả lời chất vấn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 hiện nay là 97%; dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ gần 68%; hồ sơ xử lý trực tuyến là 43%, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia về chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index), tăng 5 bậc so với năm 2020.
Đến nay, có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin Chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ do Thủ tướng giao đang khẩn trương hoàn thiện. 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi tiến độ các nhiệm vụ. Hệ thống Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương đưa vào vận hành để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương...
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đưa vào sử dụng, phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương. Tổng số giao dịch qua NDXP năm 2022 là hơn 570 triệu, tăng gấp ba lần năm 2021; trung bình hàng ngày có 1,9 triệu giao dịch. Việc này góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ 14h40, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ. Nội dung được Bộ trưởng làm rõ gồm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương; ban hành văn bản thực hiện Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ cũng sẽ giải trình các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xử lý vi phạm; nguyên nhân, giải pháp trước thực trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây; việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học. Bà Trà cũng sẽ làm rõ giải pháp giải quyết khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Tham gia trả lời chất vấn cùng bà Trà là Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng các bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong báo cáo gửi đến đại biểu trước chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, số cán bộ, công viên chức thôi việc là hơn 39.500, chiếm 1,94% tổng số biên chế. Trong đó, bộ ngành có 7.100 người, địa phương 32.450 người; 650 tiến sĩ, 4.000 thạc sĩ và khoảng 1.200 bác sĩ. Ngành giáo dục đào tạo có số lượng thôi việc nhiều nhất 16.400; y tế gần 12.200. Hơn 25.610 công chức, viên chức thôi việc từ 40 tuổi trở xuống.
Trong thời gian này, 23 bộ, ngành và 63 địa phương đã tuyển dụng được 144.000 công chức, viên chức. Trong đó, viên chức giáo dục đạt gần 74.500 và viên chức y tế hơn 38.000.
Bộ Nội vụ cho biết số công chức, viên chức thôi việc tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hệ thống dịch vụ khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội việc làm. Việc dịch chuyển này là xu hướng tích cực vào - ra theo cơ chế thị trường, xu thế của sự phát triển, vận động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
"Công chức, viên chức thôi việc hàng loạt trong hai năm rưỡi qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc, là vấn đề đáng quan ngại. Khu vực công cũng cần hoàn thiện thể chế, hướng tới đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", Bộ trưởng Nội vụ nói.
0 nhận xét:
Post a Comment