Ngày 8/11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng, công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao.
Theo chương trình, Quốc hội dành 1,5 ngày để nghe các báo cáo công tác tư pháp năm 2022 và thảo luận các vấn đề liên quan. Mở màn phiên sáng nay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Sau đó, Viện trưởng VKSND cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác năm 2022; Bộ trưởng Tư pháp báo cáo về thi hành án; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo về phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung nêu trên, trước khi Quốc hội thảo luận tại hội trường.
631 băng, nhóm tội phạm hình sự được triệt phá
Trong báo cáo phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật gửi Thường vụ Quốc hội hôm 31/8, Chính phủ cho biết giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, các cơ quan đã điều tra, khám phá 29.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trong đó án rất nghiêm trọng 94%, đặc biệt nghiêm trọng 95%.
631 băng, nhóm tội phạm hình sự đã được triệt phá, trong đó tội phạm liên quan hoạt động tín dụng đen bị trấn áp mạnh. Toàn quốc xảy ra 33.700 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm gần 10%), làm 895 người chết và gần 7.500 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 1.330 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo Chính phủ, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm giết người, tín dụng đen, xâm hại trẻ em, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ.
Đối với án kinh tế, tham nhũng, ngành công an phát hiện hơn 4.300 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, gần 400 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33%. Bộ Công an đánh giá tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công.
Một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm phát hiện nhiều vụ việc gây thiệt hại lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng; mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch...
Thời gian tới, ngành công an sẽ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đề xuất Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Căn cước công dân (sửa đổi)...
1.400 bị can phạm tội về tham nhũng
Về công tác phòng chống tham nhũng, các cơ quan thụ lý điều tra 687 vụ án, hơn 1.400 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý gần 3.000 tỷ đồng, 233.300 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tài sản thu hồi trong vụ án thụ lý là trên 2.300 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng)...
VKSND các cấp thụ lý giải quyết 506 vụ với khoảng 1.300 bị can. TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ với gần 1.400 bị cáo; xét xử 410 vụ/945 bị cáo về tội tham nhũng.
Trong đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm 43 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm với 106 bị cáo và hơn 800 bị cáo bị phạt tù 7 năm trở xuống. Tổng tài sản tham nhũng phải thu hồi trong gần 4.000 vụ việc khoảng 89.600 tỷ đồng, đã thi hành xong gần 16.000 tỷ đồng.
0 nhận xét:
Post a Comment