Nỗi niềm tổ trưởng dân phố - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Nỗi niềm tổ trưởng dân phố

TP HCMNửa đêm điện thoại anh Huỳnh Văn Hải reo ầm ĩ, đầu dây bên kia báo khu vực xảy ra vợ chồng đánh nhau, yêu cầu tổ trưởng dân phố xuống giải quyết.

Đó là một trong những công việc mà anh Hải, 38 tuổi, hay gặp trong 9 năm làm tổ trưởng dân phố 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12. "Phần lớn công việc tôi phải làm ngoài giờ, ngày nghỉ", anh Hải nói và lý giải nhiệm vụ tổ trưởng dân phố là nắm thông tin dân cư, vận động, triển khai chính sách xuống địa bàn. Song vào giờ hành chính, người dân đi làm anh muốn gặp cũng khó, nhiều trường hợp phải tới lui 2-3 lần mới xong việc.

Anh Huỳnh Văn Hải hướng dẫn chị Nguyễn Thị Sen, người dân trong tổ, cách đăng ký theo dõi trang thông tin của phường. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Huỳnh Văn Hải hướng dẫn chị Nguyễn Thị Sen, người dân trong tổ, cách đăng ký theo dõi trang thông tin của phường. Ảnh: Lê Tuyết

Tổ 30 địa bàn rộng, đông dân nhất khu phố 2. Số liệu chính thức từ phường, tổ có 900 hộ gồm thường trú và tạm trú, nhưng thực tế cao hơn 30% do địa bàn có 370 phòng trọ, nhiều người không khai báo lưu trú. Theo anh Hải, năm ngoái khi thành phố ban hành các gói hỗ trợ, số người đăng ký đã hơn 3.300, nhiều hơn số dân trên sổ sách.

Cách đây 10 năm, khi đang là thợ nhôm kính, anh Hải nghỉ việc về giúp bố trông coi dãy trọ và đăng ký làm bảo vệ dân phố. Hơn năm sau, người tổ trưởng lớn tuổi xin nghỉ, anh được đề xuất lên thay do còn trẻ, có sức chạy. Ưu điểm này được thể hiện vào đợt dịch năm ngoái anh tham gia đi chợ hộ, tiếp tế thực phẩm, giám sát F0 điều trị tại nhà, hỗ trợ y tế tiêm vaccine, xét nghiệm, triển khai các gói cứu trợ... cho cả nghìn người dân trong tổ.

Theo anh Hải công việc của tổ trưởng dân phố không đều, có tháng ít việc nhưng nhiều khi làm việc suốt đêm như bầu cử, căn cước công dân gắn chip... Với những công việc thường xuyên và đột xuất, mỗi tháng anh nhận 550.000 đồng gồm phụ cấp 447.000 đồng và 100.000 đồng của phường. "Chính xác là 547.000 đồng nhưng phường làm tròn thêm 3.000 đồng", anh Hải nói. Ngoài ra, anh tham gia tổ bảo vệ dân phố, mỗi tháng được thêm 2,3 triệu đồng.

Quy định hiện nay, mức hỗ trợ cho bí thư chi bộ, trưởng khu phố là 1,43 triệu đồng mỗi tháng, nếu kiêm nhiệm các chức vụ mỗi tháng nhận hơn 1,56 triệu đồng. Tổ trưởng dân phố mỗi tháng nhận 547.000 đồng, tổ phó 398.000 đồng.

Vợ chồng anh có hai con. Mấy năm qua, thu nhập chính của gia đình trông vào nghề làm bún của vợ, phần mình anh chạy thêm xe dịch vụ nhưng cũng không đều vì ít nhận cuốc xa "lỡ địa bàn có việc chạy về không kịp". Anh Hải thừa nhận 70% muốn thôi việc do sau dịch áp lực nhiều thứ nhưng 30% muốn tiếp tục ở lại vì địa bàn quá rộng, nghỉ anh em sẽ vất vả.

Ông Trần Duy Vinh (đứng), tổ trưởng tổ 8, khu phố 1, phường 6, quận Gò Vấp, nhận hàng cứu trợ cho người dân trong dịch năm 2021. Ảnh: NVCC

Ông Trần Duy Vinh (đứng), tổ trưởng tổ 8, khu phố 1, phường 6, quận Gò Vấp, nhận hàng cứu trợ cho người dân trong dịch năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách tổ dân phố của anh Hải khoảng 7 km, ông Trần Duy Vinh, 58 tuổi, tổ trưởng dân phố 8, khu phố 1, phường 6, quận Gò Vấp, có "vô vàn công việc không tên" sau gần 20 năm phụ trách địa bàn khu phố.

Tổ 8 có 120 hộ dân. Khi mời người dân đến họp để phổ biến thông tin, tối đa chỉ 25% hộ được mời tới rồi bỏ về sớm, việc truyền đạt bằng miệng gần như bằng không. Ông Vinh quyết định lập nhóm Zalo, mời được hơn 50 người tham gia. Từ khi có nhóm chat, người dân liên tục phản ảnh vứt rác bừa bãi, karaoke gây ồn, chó ỉa bậy... với câu mở đầu "ông tổ trưởng ở đâu mà để chuyện này xảy ra".

Giai đoạn áp lực nhất là năm ngoái, thành phố giãn cách, tổ trưởng không đáp ứng kịp lương thực cho dân. Ngay cả việc chi trả các gói hỗ trợ chậm, ông Vinh bị một số người chửi bới, đe dọa dù nhiều hôm đi từ 4h30 đến tối mịt mới về. Người vợ vốn không ủng hộ cứ hối thúc ông nghỉ. "Làm tổ trưởng việc gì cũng đến tay nhưng phụ cấp không đủ tiền điện thoại nói chi đến xăng. Tôi làm chủ yếu vì tinh thần nhưng thực sự ngày càng áp lực", ông Vinh nói.

Là địa phương duy nhất cả nước có hai cấp trung gian dưới phường xã, chưa phù hợp quy định Trung ương, từ nay đến hết quý 1/2025, TP HCM lên kế hoạch sắp xếp tổ dân phố - nhân dân. Việc này giúp bộ máy dưới cơ sở của thành phố giảm hơn 38.000 người và tiết kiệm 44 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, nói hiện công việc ở cơ sở đang dồn hết cho các tổ trưởng dân phố. Cán bộ khu phố chỉ giữ vai trò trung gian, tức tiếp nhận thông tin công việc từ phường và giao cho tổ trưởng.

"Việc bỏ tổ dân phố, nhiều trưởng khu phố sẽ áp lực nhất vì lúc đó mọi công việc ở cơ sở đều đến tay", ông Dũng nói. Hiện cấp khu phố có 10 người gồm trưởng, phó khu và cán bộ làm công tác đoàn thể như mặt trận, phụ nữ, thanh niên... Lâu nay các công việc ở địa bàn do tổ trưởng dân phố làm nên các chức danh này chưa phát huy hết vai trò.

Tuy nhiên, ông Dũng nói rằng cán bộ khu phố cũng không nên lo lắng vì việc sắp xếp lại tổ dân phố có lộ trình, dự kiến kéo dài đến hết quý 1/2025. Suốt thời gian này các dữ liệu dân cư quốc gia cũng đã được số hóa, nhiều dịch vụ công cũng được thực hiện trực tuyến nên việc ở cơ sở sẽ không còn nhiều.

"Nếu có những đợt hỗ trợ như năm ngoái sẽ không cần tổ trưởng đi từng nhà gõ cửa mà thông tin đã có sẵn trên hệ thống", ông Dũng nói và cho rằng nếu giữ cách làm như cũ, dân ngày càng đông lên thì khi có sự cố cần nắm thông tin "bao nhiêu tổ trưởng cũng không đủ".

Trong khi đó, bà Phan Thị Mỹ Khuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), nói rằng với địa phương diện tích rất lớn, có ấp rộng hơn quận nội thành, nên rất cần tổ trưởng nhân dân giúp chính quyền nắm sát địa bàn. Lâu nay, mức hỗ trợ cho tổ trưởng nhân dân chỉ đủ đổ xăng xe nhưng nhiều người làm vì nhiệt tình. Nếu bỏ cấp này, địa bàn quá rộng, địa phương khó tìm được trưởng ấp với mức hỗ trợ mỗi tháng hơn một triệu đồng như hiện nay.

Theo bà Mỹ Khuyên, từ đợt dịch, cán bộ ấp, tổ nhân dân đã dùng Zalo, Facebook, Viber thành thạo, lập nhiều nhóm chat hỗ trợ thông tin cho người dân. Tuy nhiên, mạng xã hội chỉ giúp truyền thông tin, rất nhiều việc cần phải có người bám sát địa bàn trực tiếp vận động, hướng dẫn. Ví dụ như phòng chống dịch sốt xuất huyết, gửi các thông tin xuống dân rất đơn giản nhưng phải có tổ trưởng bám địa bàn biết nhà nào động nước, chỗ nào cần phát quang bụi rậm... để làm rốt ráo.

"Khi bỏ tổ nhân dân cần tăng số lượng cán bộ cấp ấp và nâng mức hỗ trợ lên khá hơn, có như vậy địa phương mới tìm được người làm", bà Khuyên nói.

Các tổ trưởng nhân dân ấp của xã Tân Nhật cùng người dân tham gia trồng cây tại địa phương. Ảnh: Phan Mỹ

Các tổ trưởng nhân dân ấp của xã Tân Nhật cùng người dân trồng cây tại địa phương. Ảnh: Phan Mỹ

Ông Đỗ Văn Đạo, nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, nói khu phố, ấp, tổ dân phố - nhân dân không phải là cấp chính quyền. Tuy nhiên trong một thời gian dài, cấp này lại được xem là cánh tay nối dài của chính quyền nên cái gì cũng dồn xuống dưới để tổ trưởng làm.

"Việc này rất kỳ cục vì phụ cấp của họ không đáng bao nhiêu", ông Đạo nói. Nhiều tổ trưởng, trưởng khu phố lớn tuổi nhưng đi họp còn nhiều hơn lãnh đạo bởi việc gì liên quan địa bàn từ lao động, hộ nghèo, thương binh... cũng phải đi nghe, ghi chép rồi về triển khai. Nếu trong giai đoạn quản lý sơ khai, mô hình này giúp ích nhất định cho chính quyền nhưng giờ đã có công nghệ, dữ liệu được số hóa thì rất cần sắp xếp lại.

Nguyên lãnh đạo Sở Nội vụ cho rằng cần đưa khu phố, ấp về đúng bản chất tổ nhân dân tự quản. Việc thu thập, quản lý, thống kê dữ liệu dân cư là nhiệm vụ của chính quyền. Trưởng khu phố lúc này như một già làng, tức là người có uy tín được người dân bầu ra có vai trò xây dựng đời sống tinh thần, giúp khu dân cư của mình tốt hơn. Họ có thể đi họp nắm chủ trương chính sách nhưng để hướng người dân làm đúng chứ không phải đi triển khai thay chính quyền.

Ông Đạo ví dụ hiện vào đầu năm học mới các tổ trưởng dân phố hay đi rà soát trẻ con bỏ học để báo cáo lên trên. Đáng lẽ việc này chính quyền phải làm vì nắm rõ nhất vì mình có dữ liệu quản lý, thông tin các ngành liên thông với nhau. Nếu trả khu phố về đúng bản chất tổ nhân dân tự quản thì trưởng khu chỉ tiếp nhận thông tin trẻ bỏ học từ chính quyền. Sau đó, bằng uy tín, kinh nghiệm, họ tìm hiểu hoàn cảnh, đề xuất giúp đỡ, vận động để trẻ quay lại trường.

Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trước khi thông qua chủ trương sắp xếp, Ban Thường vụ Thành uỷ đã họp nhiều lần, phân tích kỹ lợi - hại. Quá trình tinh gọn cần có lộ trình, giai đoạn cụ thể, chú ý đến tâm tư, tình cảm của cán bộ tổ dân phố - tổ nhân dân. Thành uỷ cũng yêu cầu địa phương đề xuất khen thưởng người thôi nhiệm vụ, nhiều cống hiến.

Lê Tuyết – Thu Hằng

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment