Sau di dời nhà máy ở nội đô, chung cư mọc lên khiến quá tải hạ tầng - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Sau di dời nhà máy ở nội đô, chung cư mọc lên khiến quá tải hạ tầng

Hà NộiNhiều khu đất trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) trước kia là trụ sở, nhà xưởng nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ với quy mô lớn.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức, ngày 21/11.

Theo đó, sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô, một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong thực hiện quy hoạch. Tiến độ di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở y tế, nhà máy xí nghiệp... khỏi nội thành rất chậm. Đất sau di dời không bàn giao cho thành phố để ưu tiên xây dựng công trình công cộng mà trở thành các tòa nhà cao tầng.

Nhà cao tầng tại khu vực ngã tư Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám. Ảnh: Ngọc Thành

Nhà cao tầng tại khu vực ngã tư Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám. Ảnh: Ngọc Thành

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập đồ án quy hoạch Hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030; tổ chức Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Hà Nội đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20 ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55 ha) để phục vụ việc di dời các bộ ngành. Trong số 9 bộ, ngành đã di dời, hiện 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng (Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình; Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm).

Tương tự, với các bệnh viện cần di dời, Hà Nội đã giới thiệu quỹ đất nhưng đến nay mới chỉ có ĐH Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời nhưng khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp nhà ở cao tầng trên phố Giảng Võ, Ba Đình. Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ ở nội thành.

Đối với công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, Hà Nội đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện thành phố đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích hơn 140.000 m2.

Nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Ví dụ, trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của Nhà máy Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội... nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Ùn tắc giao thông tại đường Nguyễn Trãi - tuyến đường có nhiều nhà cao tầng xây dựng trên đất của nhà máy xí nghiệp đã di dời. Ảnh: Ngọc Thành

Ùn tắc giao thông tại đường Nguyễn Trãi - tuyến đường có nhiều nhà cao tầng xây dựng trên đất của nhà máy, xí nghiệp đã di dời. Ảnh: Ngọc Thành

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng thành phố đã quy hoạch, giới thiệu quỹ đất nhưng tiến độ di dời các bộ ngành rất chậm khi trông chờ ngân sách. Nếu xã hội hóa thì doanh nghiệp phải xây nhà cao tầng ở trụ sở cũ mới có nguồn lực tài chính xây dựng trụ sở bộ ngành mới và không giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng. Do đó, khi sửa đổi Luật Thủ đô, thành phố đề xuất tăng tỷ lệ nguồn thu từ đất đai để Hà Nội có nguồn lực.

"Thành phố có thể hỗ trợ 100% cho việc xây dựng trụ sở mới và trụ sở cũ bộ ngành chỉ để xây dựng các công trình công cộng hay công viên cây xanh", ông Thanh nói và mong bộ ngành ủng hộ cho Hà Nội cơ chế tài chính như đã nêu.

Dẫn chứng thêm về sự quá tải hạ tầng do gia tăng dân số cơ học, Chủ tịch Hà Nội nêu, năm 2021 Hà Nội có 2,1 triệu học sinh, năm 2022 tăng thành 2,2 triệu.

"Mỗi sáng 2,2 triệu học sinh ra đường, trong đó khoảng 5% đi xe chung, còn lại 95% bố mẹ đưa đón bằng ôtô hay xe máy", ông Thanh nói và cho hay số lượng người và phương tiện ra đường mỗi sáng như trên gây áp lực lên hạ tầng kinh tế xã hội thành phố.

Ông Thanh cho biết, thành phố đang bàn về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có đặt ra bài toán dân số thủ đô bao nhiêu thì vượt ngưỡng. Ông cho rằng đang có mâu thuẫn khi Hà Nội hướng đến mục tiêu là điểm đến của người dân và du khách, là thành phố đáng sống với nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại phải giải bài toán áp lực gia tăng dân số.

Theo dự thảo báo cáo Chính phủ về kết quả 9 năm thi hành Luật Thủ đô, tình trạng tăng dân số cơ học vẫn tăng nhanh, nhất là ở khu vực nội thành, khu vực nội độ lịch sử. Năm 2013 dân số 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) hơn 966.000 người, năm 2014 lên 1 triệu và đến 2017 là 1,13 triệu người.

Bên cạnh đó là tình trạng mật độ dân cư phân bố không đồng đều, chênh lệch đáng kể giữa nội và ngoại thành. Ví dụ, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy có mật độ cao, trung bình trên 30.000 người/km2, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, xã hội, an ninh trật tự, môi trường...

Về dân số toàn thành phố, kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, đến ngày 1/4/2019, Hà Nội có trên 8 triệu người. Con số này cho thấy mức tăng dân số thủ đô đã vượt ngưỡng dự báo so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô, đến 2020 quy mô dân số khoảng 7,3-7,9 triệu).

Võ Hải

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment