Vì sao một phần TP Quy Nhơn ngập sâu sau mưa? - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Vì sao một phần TP Quy Nhơn ngập sâu sau mưa?

Bình ĐịnhMưa lớn, địa bàn ba mặt là núi, hệ thống thoát nước nhỏ hẹp, bị lấn chiếm là lý do hàng trăm hộ dân ở phường Gềnh Ráng, TP Quy Nhơn, ngập sâu.

Nước cuồn cuộn trên đường TP Quy Nhơn sau mưa lớn

Nước ngập sâu, chảy xiết khiến nhiều người đi đường té ngã. Video: Phạm Linh

Cơn mưa kéo dài hôm 20/11 khiến dòng nước lớn từ trên núi đổ cuồn cuộn, nhiều đường ở TP Quy Nhơn ngập ngang vai. Bị nặng nhất là khu vực phường Gềnh Ráng khi có chỗ ngập sâu gần 2 m. Hơn 400 nhà dân ở đây chìm trong nước, nhiều tài sản hư hỏng. Ngoài đường, một số người chạy xe máy bị nước cuốn, phải bỏ phương tiện để thoát thân. Người dân cho hay khu vực Ghềnh Ráng gần biển, nước dễ rút, trước đây không ngập. Tuy nhiên, khoảng ba năm qua, mỗi khi mưa lớn địa bàn đều bị nước bủa vây.

Mưa ngập hôm 20/11 uy hiếp người đi đường. Ảnh: Thanh Toàn

Mưa ngập hôm 20/11 uy hiếp người đi đường. Ảnh: Thanh Toàn

Ngoài nguyên nhân trận mưa cách đây hai ngày đo được lượng nước kỷ lục (53 mm trong một giờ) ở địa phương, Phó chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng Vũ Huy Hảo cho biết ngập còn do hệ thống thoát nước. Cụ thể, trước đây con mương trước trụ sở UBND phường Ghềnh Ráng (mương Hoàng Gia) rất rộng, xung quanh chưa có công trình, nước thoát ra biển dễ dàng, nhưng nay nhiều nhà cửa mọc lên, thu hẹp hệ thống thoát nước ở đây.

Nhiều xe máy của người dân ở phường Gềnh Ráng chìm trong nước. Ảnh: Thanh Toàn

Nhiều xe máy của người dân ở phường Gềnh Ráng chìm trong nước. Ảnh: Thanh Toàn

Ông Võ Hữu Thiện, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, cho biết phường Gềnh Ráng ba mặt là núi, nước đổ xuống khu dân cư ở phường chủ yếu theo một số đường thoát nước. Tuy nhiên cơn mưa vừa qua rất lớn, trong khi hệ thống mương ở đường Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử nhỏ hẹp, nước thoát không kịp. Ngoài ra, nước từ mương dưới chân núi Xuân Vân kéo theo lượng lớn bùn đất tràn xuống gây nghẹt một số cống làm nước không thể thoát nhanh.

"Nước không thoát kịp do hạ tầng không đồng bộ, chỗ cống tròn nơi cống hộp, độ rộng khác nhau, chưa được duy tu, nạo vét thường xuyên, nên khi mưa lớn không kịp ứng phó", ông Thiện nói. Chưa kể một số mương dẫn nước ra biển bị người dân san lấp làm hàng quán, lấn chiếm xây trái phép ảnh hưởng dòng chảy. Rác thải do người dân đổ xuống gây tắc cống.

Khu dân cư phường Ghềnh Ráng nằm lọt giữa ba bên núi, mặt kia giáp biển. Ảnh: Phạm Linh

Khu dân cư phường Ghềnh Ráng nằm lọt giữa ba bên núi, mặt kia giáp biển. Ảnh: Phạm Linh

Về giải pháp, trong cuộc họp với TP Quy Nhơn hôm 22/11, Sở Xây dựng đã đề xuất mở rộng mương Hoa Hồng, thay một số mương bằng cống hộp rộng hơn, xử lý việc lấn chiếm trái phép hành lang mương... Tỉnh đang tính toán giải pháp chia lũ khi xảy ra mưa lớn, lượng nước vượt công suất. Thay vì để nước chảy từ quốc lộ 1D xuống mương dọc đường Chế Lan Viên nối dài, địa phương tìm cách dẫn nước qua đường Võ Liệu rồi đổ về mương dọc đường Tây Sơn.

Quy Nhơn là trung tâm của Bình Định, rộng hơn 286 km, gần 300.000 người, có 16 phường và 5 xã. Nơi đây có nhiều địa danh nổi tiếng như Đảo Yến, Eo Gió, cầu Thị Nại, biển Quy Hoà, tháp đôi Chăm Pa... thu hút nhiều khách du lịch.

Phạm Linh

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment