Hà TĩnhChị Nguyễn Thị Hoài Khuyên dùng bột khoai lang, nếp, đậu phộng và mật mía làm bánh tu hú, mỗi ngày bán 500-700 chiếc, thu hơn 500.000 đồng.
Hai tuần qua, chị Khuyên ở thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, cùng mẹ chồng dậy sớm chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tu hú, bán trong những ngày đầu đông. Hơn 20 năm trước, cả thị trấn Lộc Hà có hàng chục gia đình làm loại bánh dân dã này bán kiếm sống, song đến nay chỉ còn 2-3 hộ theo nghề.
Chị Khuyên lấy 3 kg bột khoai lang đem trộn đều với nước cho nhuyễn. Với bánh tu hú, khoai là nguyên liệu chính và quan trọng nhất. Do đó, khi thu hoạch về, người dân phải chọn những củ ngon và bở nhất, sau đó gọt vỏ, thái nhỏ từng lát rồi phơi khô để nghiền lấy bột.
"Khâu chọn khoai đòi hỏi phải tỉ mẩn, vì chỉ cần có một lát bị sùng thì cả mẻ bánh phải bỏ, vì khi nấu lên ăn mùi sẽ rất hăng và khó chịu", chị Khuyên nói.
Bà Lê Thị Tịnh, mẹ chồng chị Khuyên, cho hay ngoài khoai lang thì bột nếp, đậu phộng, mậu mía và đường nâu cũng là những nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh. Đậu phộng được để nguyên, trộn đều với đường, mật và các loại bột. Người thợ cần căn lượng nước sao cho vừa với lượng bột, để không bị khô hay ướt quá. Khi trộn cần phải đều tay để bột sánh mịn, bánh vắt ra sẽ ít bị vỡ.
Các loại bột trộn lẫn với nhau rồi nhào kỹ, sau đó lấy từng chút vo chặt vào ngón tay cái để tạo hình. Khi cảm thấy bột mịn và bám chắc thì rút ngón tay ra, ở giữa chiếc bánh sẽ tạo thành một lỗ hổng. "Vì hình dáng của bánh giống miệng của con chim tu hú, nên được người dân gọi là bánh tu hú", bà Tịnh cho hay.
Người phụ nữ có nhiều năm làm bánh chia sẻ, tạo hình miệng tu hú là công đoạn mất nhiều thời gian nhất vì phải ngồi liên tục 3-4 giờ. Bánh cần giữ kết cấu chắc chắn thì khi cho vào nồi hấp mới giữ được dáng, không bị vỡ nát. Những chiếc bánh sống sẽ được xếp vào nồi hấp bằng nhôm chuyên dụng, phía trên bỏ thêm lá dứa để tạo mùi thơm.
Nồi nấu bánh được đậy kín, đỏ lửa đều. Sau 30-40 phút, khi bánh chuyển sang màu nâu, tỏa ra mùi thơm của bột khoai, mật mía là đã chín. Người thợ sẽ mở vung, gắp bánh ra bỏ vào đĩa thưởng thức hoặc đem bán cho khách.
Theo bà Tịnh, trước đây bánh tu hú được xem là món ăn chống đói, gắn liền với nhiều thế hệ người miền Trung. Ngày nay, khi kinh tế đã khởi sắc, người dân không còn phải chạy ăn từng bữa nên các món bánh ăn vặt thời xưa dần bị lãng quên.
"Chúng tôi muốn duy trì nghề làm bánh tu hú để lưu giữ một phần ký ức của cha ông xưa. Ngoài ra, công việc này cũng mang lại một khoản thu nhập ổn định, giúp trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày", bà Tịnh nói.
Một chiếc bánh tu hú giá 2.000 đồng, người dân thường mua mỗi lần 10-20 cái, đem gói vào giấy hoặc túi nylon. Bánh thường "cháy hàng" vào những ngày trời trở rét. Dịp này, ngoài đưa ra các chợ trên địa bàn huyện Lộc Hà bán lẻ, chị Khuyên cũng luôn tất bật bởi có nhiều khách quen đặt mua qua mạng xã hội.
"Cứ làm ra mẻ nào là hết mẻ đó. Trung bình mỗi ngày tôi thu về hơn 500.000 đồng tiền lời", chị Khuyên nói.
0 nhận xét:
Post a Comment