Khu di tích quốc gia ghi dấu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, rộng 6.000 m2, trong nhà máy đóng tàu Ba Son, quận 1, vừa được TP HCM đề xuất tu bổ.
Đề án tu bổ, tôn tạo đã được UBND TP HCM trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định để thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Di tích nằm trên khu đất vốn là nhà máy đóng tàu lâu đời nhất thành phố, cạnh sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh (phường Bến Nghé). Đây là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Theo UBND TP HCM, hiện trạng di tích gồm phần còn lại của khối nhà xưởng cơ khí, khối nhà làm việc, ụ tàu nhỏ, triền nề, hạ tầng sân đường, cây xanh... Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm tất cả hạng mục đều hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Do đó đề án sẽ tu bổ các hạng mục như: phục hồi nguyên trạng triền nề 1918, ụ tàu nhỏ 1863, tôn tạo nhà xưởng cát, phục hồi xưởng vũ khí và xưởng điện tử, sân vườn cảnh quan tổng thể... Một khu trưng bày với hơn 60 hiện vật, 100 hình ảnh, 120 tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về lịch sử hình thành ngành đóng tàu trong nước.
Đề án do Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá TP HCM làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành quý 1/2025. Trước đó năm 2019, UBND thành phố kiến nghị Bộ Quốc phòng giao khu đất để quản lý, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo.
Nhà cách mạng Tôn Đức Thắng (1888-1980), quê An Giang, là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam, giai đoạn 1960-1980. Sau khi tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Viễn Đông, ông có thời gian làm công nhân tại nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp, từ năm 1930 gia nhập Đảng Cộng sản, lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngoài di tích ở Ba Son, bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1) lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc đời của ông.
Thái Anh
0 nhận xét:
Post a Comment