Theo tiêu chuẩn đô thị loại I, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị của TP Đà Nẵng phải 5 m2/người, nhưng nay mới đạt hơn một nửa.
Chiều chủ nhật 8/1, công viên 29/3, quận Thanh Khê, rộng hơn 20 hecta nằm giữa trung tâm thành phố vắng vẻ. Gần chục khu vui chơi như tàu lượn, nhà bóng, xe điện tự lái... khóa cửa. Vài công nhân đến sửa chữa thuyền đạp vịt, vận hành thử khu đu quay. Các hạng mục trang trí dịp Tết chưa được lắp đặt.
Khu vườn thú có đàn nai nhốt trong bãi đất với nhiều lớp rào sắt. Một vài con khỉ nuôi nhốt lâu ngày trong chuồng chật hẹp không thèm di chuyển. Nhiều lối vào công viên thành nơi tập kết rác thải. Một số trẻ em đến nhưng không có chỗ chơi đành tìm đến khu tập thể dục đã cũ, rỉ sét, hoặc đá bóng trên đường vá lỗ chỗ.
Trong khi đó website của UBND TP Đà Nẵng giới thiệu công viên 29/3 "có đầy đủ khu vực hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khu yên tĩnh, khu vui chơi cho thiếu nhi bao gồm mặt hồ rộng kết hợp với cây xanh, cảnh quan và các công trình vui chơi giải trí tạo nên một vẻ đẹp rất hài hòa và đặc trưng...".
Công viên 29/3 trước đây là bãi rác, được người dân cải tạo từ sau năm 1975. Sau thời gian được kêu gọi xã hội hóa đầu tư, công viên từng nhộn nhịp nhưng đến nay bị bỏ hoang không có người trông coi, bảo vệ. Hoạt động thường xuyên nhất của công viên này là nhiều người ngồi câu cá.
Chị Hà (35 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) chở hai con vượt gần chục cây số đến chơi công viên dịp cuối tuần. Cháu lớn tham gia sinh hoạt hướng đạo, cháu trai 5 tuổi phải tìm đến các khu tập thể dục xuống cấp chơi. Chị không dám rời con, lo sợ cháu té ngã. "Mọi thứ đều quá cũ kỹ mà không được đầu tư gì đáng kể. Vì quá thiếu chỗ chơi nên tôi mới phải đưa con đến đây", chị Hà nói.
Anh Nguyễn Quang (40 tuổi, trú quận Sơn Trà) cho biết từng đưa hai con nhỏ đến công viên chơi vài lần, nhưng lâu nay không quay lại. Không gian thoáng đãng, nhưng thiết kế vườn dạo, hoa không đẹp. Hồ nước rộng nhưng bị cần thủ câu quá nhiều. Vườn thú với các con vật bị nuôi nhốt quá chật chội, chuồng bốc mùi khai khó chịu.
Cảnh vắng vẻ cũng diễn ra ở công viên Thanh niên nằm trên hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ, dù mới được đầu tư 50 tỷ đồng chỉnh trang. Mỗi buổi chiều, chỉ vài chục người đến công viên đi dạo, vui chơi ở mảng xanh, tiểu cảnh, lối đi dạo, chòi nghỉ chân, hồ nước. Hệ thống nhà vệ sinh tại đây không được dọn dẹp thường xuyên, bốc mùi hôi khó chịu. Hồ nước có nhiều rác.
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch quận Hải Châu, nói dân cư xung quanh đông đúc, nhưng công viên Thanh niên quá ít chỗ vui chơi nên chưa thu hút người dân. Chưa kể nhiều diện tích của công viên đang được sử dụng làm sân tập golf, bãi đỗ xe container, buôn bán cây cảnh. "Công viên cần được đầu tư cả khu động là các hoạt động vui chơi giải trí cho giới trẻ, khu tĩnh dành cho người lớn tuổi đến tập dưỡng sinh mới phù hợp", ông Thạnh nói.
Công viên nhộn nhịp nhất Đà Nẵng hiện nay là APEC, nằm sát chân cầu Rồng, quận Hải Châu, nơi thường diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, diện tích công viên chỉ 9.000 m2, dù thành phố đã đổi đất vàng với doanh nghiệp để mở rộng một năm trước, nên không tổ chức được các sự kiện đông người.
Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng, nói thời gian qua dường như thành phố chỉ tập trung chỉnh trang và tạo bộ mặt cho đô thị mà bỏ quên đầu tư cho công viên. Thành phố chưa có công viên xứng tầm với đô thị loại I. Lãnh đạo thành phố giai đoạn trước đây "từng sai lầm" khi cắt đất ở góc phía bắc và phía nam công viên 29/3 bán cho doanh nghiệp, khiến không gian bị thu hẹp.
Lúc đương nhiệm, ông Huỳnh Hùng đã kiến nghị để lãnh đạo thành phố dừng xây dựng Trung tâm Lưu trữ, dành quỹ đất xây dựng công viên ở số 5 Lý Tự Trọng, cạnh thành Điện Hải, nhưng các công viên khác vẫn chưa được rót vốn. "Đà Nẵng đang phát triển, về lâu dài rất cần công viên. Lãnh đạo phải có kế hoạch dành quỹ đất nhất định và sớm đầu tư, xây dựng công viên để người dân và du khách có chỗ vui chơi", ông Hùng nói.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị không quy định tỷ lệ công viên trên đầu người, nhưng đưa ra tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Theo đó, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị của đô thị loại I như Đà Nẵng phải đạt 5 m2/người mới được tính 1,5 điểm; 6 m2/người được tính 2 điểm. Hiện đất cây xanh công cộng (tính cả công viên, vườn hoa) của Đà Nẵng mới đạt tỷ lệ 2,64 m2/người.
Trả lời VnExpress, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết thành phố đang quản lý công viên 29/3 và Thanh niên. Hai nơi này đã thi phương án thiết kế, đơn vị nước ngoài đoạt giải, hoàn thiện hồ sơ, nhưng chưa có kinh phí xây dựng. "Một công viên cần từ 700 đến 1.000 tỷ đồng nên thành phố chưa có nguồn lực đầu tư", ông Phong nói.
Theo quy hoạch thành phố, lớn nhất là Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (được phê duyệt đồ án từ năm 2009, diện tích gần 139 ha), nhưng đến nay vẫn bất động. Ông Phong nói thành phố đã giao Sở Văn hóa Thể thao phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch điều chỉnh quy hoạch với quy mô hơn 300 ha, chờ trình Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, thành phố có nhiều công viên diện tích nhỏ hơn, giao cho các quận quản lý, nhưng mới dừng lại ở lát vỉa hè và trồng cây xanh. Ông Phong cho biết, vừa qua HĐND thành phố chất vấn rất nhiều về vấn đề thiếu, chậm đầu tư công viên. HĐND thành phố đã thống nhất bổ sung vào vốn trung hạn để có nguồn tiền thực hiện, giai đoạn một có thể đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi "đã bao giờ thành phố đặt vấn đề xây dựng một công viên xứng tầm với đô thị loại I", ông Phong nói do các yếu tố lịch sử để lại, thành phố không còn khu đất nào đủ rộng ở trung tâm để làm công viên xứng tầm, chỉ có thể nâng cấp những cái đã có, rà soát quy mô để huy động nguồn lực đầu tư; làm quảng trường trung tâm và nhiều công viên ở ngoại ô thuộc huyện Hòa Vang.
Ông Phong thừa nhận hiện Đà Nẵng chưa đạt nhiều tiêu chí về đô thị loại I. Trong quyết định Điều chỉnh chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030 đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, thành phố phấn đấu đạt 5 m2/người đất cây xanh công cộng. Trong đó, đến năm 2025 tăng thêm 2,36 m2/người, thêm khoảng 359 ha cây xanh tương ứng 1,35 triệu dân, để đạt được 1,5 điểm cho tiêu chuẩn trên.
Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đến năm 2020, đất xây dựng đô thị tại thành phố khoảng 20.010 ha, dân số là 1,134 triệu (số liệu năm 2019). Dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 2,3 triệu, đất xây dựng đô thị tăng lên khoảng 37.500 ha.
0 nhận xét:
Post a Comment