Bẫy ảnh động vật quý hiếm trên đỉnh Trường Sơn - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Bẫy ảnh động vật quý hiếm trên đỉnh Trường Sơn

Quảng Trị11 loài có tên trong Sách Đỏ thế giới, 18 loài trong Sách Đỏ Việt Nam được ghi nhận sau hai năm đặt bẫy ảnh ở khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa.

Sáng một ngày đầu đông, anh Trần Văn Hùng, Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, chuyên gia bẫy ảnh của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa kiểm tra kỹ thiết bị, lương thực, thực phẩm cho chuyến đặt bẫy ảnh 5 ngày.

Đoàn cán bộ gùi theo gạo, cá khô, đậu phộng, thịt lợn. Lán trại, bạt và áo quần ấm cũng phải chuẩn bị kỹ. Mùa đông, nhiệt độ trên núi thấp, sương mù dày đặc và gió rít liên hồi. "Không chuẩn bị kỹ đồ ấm, đêm không ngủ được thì sẽ không trụ lại được để đặt bẫy ảnh", anh Hùng giải thích.

Bẫy ảnh động vật quý hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Video: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Chuyến đi này có hai cán bộ của khu bảo tồn, ba bảo vệ rừng, mục đích vừa tuần tra rừng, vừa đặt bẫy ảnh ghi nhận các loài thú. Mỗi chuyến cần đặt ít nhất 5 bẫy ảnh, trong đó mỗi ngày chỉ được 2-3 bẫy. Địa điểm đặt bẫy xa nhất mất một ngày đường rừng mới đến nơi.

Bẫy ảnh thường đặt ở độ cao 20-40 cm so với mặt đất để chụp ảnh các loài thú lớn, vừa và nhỏ. Phía trước bẫy cần phát quang, đảm bảo thông thoáng vì sự lay động của cây có thể kích hoạt cảm biến chụp ảnh; nếu có cây cỏ phải nhổ cả rễ, tránh cây mọc lại sau nhiều tháng làm che khuất góc chụp.

"Đặt bẫy ảnh không khó, nhưng để có những bức ảnh đẹp, chất lượng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Trước khi rời đi, chúng tôi thường bò trước bẫy như con thú để chắc chắn máy hoạt động, trường ảnh hoàn hảo thì mới ghi lại sự hiện diện của động vật", anh Hùng kể. 2-3 tháng sau, nhóm quay trở lại, tháo bẫy để ghi nhận kết quả.

Cán bộ khu bảo tồn đặt bẫy ảnh. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Anh Trần Văn Hùng (phải) đang đặt bẫy ảnh. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Làm việc nhiều ngày trong rừng, đoàn đặt bẫy ảnh đối diện nhiều mối đe dọa như đường dốc trơn trượt khiến bị ngã, rắn cắn. Trong một chuyến thu bẫy ảnh, anh Hùng bị rắn lục cắn vào tay, phải sơ cứu rồi tự đi bộ một tiếng ra khỏi rừng, sau đó được anh em chở bằng xe đến bệnh viện. Sau 5 ngày điều trị, anh mới xuất viện. Chuyến thu bẫy dự kiến kéo dài 5 ngày phải hủy bỏ.

Để việc đặt bẫy hiệu quả, trước khi lựa chọn vị trí, chuyên gia bẫy ảnh phải tìm gặp những người dân am hiểu vùng rừng này để phỏng vấn, xác định chính xác khu vực có khả năng xuất hiện thú rừng.

Năm 2021-2022, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa lần đầu tiên ứng dụng máy bẫy ảnh kỹ thuật số để điều tra, ghi nhận sự hiện diện của các loài động vật. Cán bộ khu bảo tồn đã thay nhau đặt 40 máy bẫy ảnh ở 12 tiểu khu. Ngoài ra, Ban cũng sử dụng lưới mờ để điều tra một số loài chim.

Đoàn đặt bẫy ảnh trên đường tác nghiệp. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Đoàn đặt bẫy ảnh trên đường tác nghiệp. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Kết quả thu được hình ảnh của 18 loài thú và 14 loài chim, đều là động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, 11 loài có tên trong Sách Đỏ thế giới, 18 loài trong Sách Đỏ Việt Nam.

Đặc biệt, các chuyên gia đã bổ sung hai loài mới ghi nhận ở khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, là khướu má hung và gà so. Cả hai loài chỉ phân bố ở một vài khu vực, khó quan sát trực tiếp. "Đây là thành quả sau hai năm, góp phần minh chứng cho sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn", anh Hùng nói.

Hai loài thú nguy cấp, quý, hiếm đặc hữu của dãy núi Trường Sơn là chà vá chân nâu và voọc Hà Tĩnh cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Kết quả cho thấy số cá thể của hai loài khá ổn định, các mối đe dọa suy giảm, là tín hiệu tích cực cho công tác quản lý, bảo tồn.

Bẫy ảnh đã ba lần ghi nhận mèo rừng, nằm trong tình trạng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB. Mèo rừng được ghi nhận cả ban ngày và ban đêm, đang di chuyển để tìm kiếm thức ăn, là những con đã trưởng thành.

Voọc Hà Tĩnh ở khu bảo tồn. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Voọc Hà Tĩnh ở khu bảo tồn. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó giám đốc khu bảo tồn, cho biết bẫy ảnh cũng ghi nhận các loài ưu tiên bảo tồn như: Cầy bay, cu ly nhỏ, vượn siki, thỏ vằn, tê tê java, cầy gấm, sơn dương, gà tiền mặt vàng, hồng hoàng...

Phó giám đốc Hiếu đánh giá bẫy ảnh giúp xây dựng cơ sở dữ liệu, thu được hình ảnh, video sinh động minh chứng cho sự hiện diện của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm tại khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa. Kết quả đợt nghiên cứu này còn chỉ ra các mối đe dọa, từ đó rút ra những giải pháp để quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả.

Được thành lập năm 2007, khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa rộng hơn 23.400 ha, độ che phủ trên 92,96%, nằm ở Trung Trường Sơn, phía tây tỉnh Quảng Trị. Khu vực này có địa hình cao nhất tỉnh Quảng Trị với hai đỉnh núi là Sa Mù 1.570 m và Voi Mẹp 1.775 m. Ngoài các loài kể trên, khu bảo tồn có nhiều loài động vật quý hiếm như sao la, bò tót, mang lớn...

Hoàng Táo

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment