'Mèo là biểu tượng chuyên nghiệp và thân thương' - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

'Mèo là biểu tượng chuyên nghiệp và thân thương'

Đầu năm Quý Mão 2023, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ với VnExpess hình ảnh con mèo trong đời sống người Việt Nam.

- Từ bao giờ, mèo là vật nuôi trong nhà, gần gũi với người dân, thưa ông?

- Từ tài liệu khảo cổ học khai quật 6 bộ xương mèo ở Ai Cập, các nhà nhà khoa học khẳng định, cách nay 5.600 đến 5.800 năm, mèo đã được thuần hóa. Mèo và chó là hai loài vật sống gần gũi và cộng sinh cùng con người từ thời đại nguyên thủy. Khi con người sống trong các hang động, với bếp lửa tạo sức nóng để quần tụ thì một số loài vật cũng mon men cộng cư, kiếm thức ăn thừa. Dần dần, con người thuần hóa một số loài mèo, chó hiền lành.

Với cộng đồng người Bách Việt trước đây, việc thuần hóa mèo cũng có thể theo cách thức như vậy. Tuy nhiên, rất khó xác định được thời gian cụ thể loài mèo được thuần hóa. Chỉ biết rằng, từ xa xưa, mèo đã là vật nuôi thân quen trong hầu hết gia đình nông dân Việt Nam.

Gần 600 năm trước, Nguyễn Trãi đã viết về mục đích nuôi mèo trong bài thơ Mèo (Miêu): "Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây/ Phụng sự Như Lai, trộm phép thầy/ Hơn chó được ngồi khi diện bếp/ Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây/ Đi nào kẻ cấm buồng the kín/ Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy/ Khó lẫn sang chăng nỡ phụ/ Nhân chưng hận chuột phải nuôi mày".

Qua bài thơ, ta thấy người nông dân nuôi mèo với mục đích đơn giản đầu tiên là để bắt chuột. Khác với các loài trâu, chó, bò, ngựa... đều đa năng, vừa có thể nuôi lấy sức kéo, lấy da, lấy thịt, nhưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, người dân kiêng thịt mèo bởi cho rằng sẽ gặp rủi ro. Vì vậy, mèo ngoài chơi với trẻ con thì chỉ có mục đích tiêu diệt lũ chuột hại dân. Đây là loài có tính chuyên nghiệp rất cao.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: VT

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: VT

- Hình ảnh mèo trong văn hóa dân gian được thể hiện thế nào?

- Theo dân gian Việt Nam, chuột vốn là thần coi kho trên thiên đình, nhưng làm việc không tốt, tham nhũng, ăn trộm nên bị đày xuống trần gian. Loài chuột có thói quen cắn phá khắp nơi nên sau khi Táo quân tâu lên, Ngọc Hoàng đã sai vị miêu thần biến thành mèo, xuống trần gian tiêu diệt chuột.

Trước khi xuống trần, miêu thần xin với Ngọc Hoàng hai đặc quyền là nằm cạnh bếp và có thể leo trèo bất cứ đâu tùy thích. Vì mèo vốn là vị thần, nên khi cho mèo ăn, người dân thường để trong bát hoặc đĩa, chứ không đổ xuống đất.

Dân gian còn lưu truyền câu chuyện nữa là hổ to lớn nhưng võ kém nên đến nhờ mèo dạy. Mèo thấy hổ có tướng phản chủ, nên khi dạy đã giữ lại chiêu thức trèo cây. Một hôm, hổ tập xong, đói bụng nên định vồ mèo ăn thịt, nhưng mèo đã nhanh chân trèo lên cây.

Dân gian có câu "mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", nhưng loài mèo đến với người dù nghèo hay sang đều không phụ.

- Mèo trong văn học nghệ thuật có điểm gì khác loài vật khác?

- Tục ngữ, ca dao và truyện cổ dân gian đều nhắc nhiều đến hình ảnh mèo, rất đa dạng về ý nghĩa. Thống kê cho thấy có hơn 40 câu tục ngữ mở đầu bằng chữ mèo, phản ánh tập tính loài vật này đến kinh nghiệm, triết lý sống mà mèo đem lại. Nhìn chung, mèo trong những câu tục ngữ đều phản ánh cách sống dân dã, bình dị.

Một số câu tiêu biểu như mèo nằm xó bếp; mèo lớn bắt chuột lớn, mèo bé bắt chuột bé; mèo tha miếng thịt thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng; mèo lại hoàn mèo... Ca dao cũng có nhiều câu nói về mèo với ý ngụ ngôn rất rõ, như Con mèo con mẻo con meo/ Ai dạy mày trèo mày chẳng dạy tao/ Mắt mi xanh sáng như sao/ Móng mi bén ngọt tiếng ngao dậy trời; Mèo ngao cắn cổ con cầy/ Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao...

Truyện cổ dân gian chủ yếu phản ánh hình ảnh mèo đối diện với chuột hoặc hổ, như sự tích mèo và chuột, chuyện mèo dạy võ cho hùm. Theo sáng tạo dân gian, mèo được quý trọng vì công lao, sự tinh khôn, cảnh giác với tính thất thường, hung dữ của hổ.

Trong văn hóa Việt Nam, dù mèo thật có ích và thân thương nhưng tính biểu tượng của nó phản ánh không như kỳ vọng. Biểu tượng mèo không có xu hướng được thiêng hóa như các loài vật khác. Mèo bị chê nhiều, thậm chí là biểu tượng bị coi thường.

Nhiều năm nghiên cứu, tôi thấy mèo rất tội nghiệp và cần được đồng cảm. Nó gần gũi, hiền lành nhất trong các loài vật, trẻ con và người lớn đều có thể ôm ấp. Loài mèo cũng giống như những người hiền lành, bình dị, thầm lặng trong cuộc sống hằng ngày.

Tượng mèo tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Tượng mèo tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

- Mối quan hệ giữa mèo và con người trong đời sống hiện đại đã thay đổi ra sao, thưa ông?

- Tôi nhớ lại những năm 1985-1995, khi mạng xã hội và báo chí chưa phổ biến như hiện nay, trẻ con quê tôi lớn lên không biết đến con mèo thực ngoài đời. Nguyên nhân là lúc đó, nhiều người dùng thuốc diệt chuột khiến chó và mèo ăn phải.

Nhưng nay thì khác, mèo được nhiều gia đình nuôi. Hình ảnh mèo cũng gần gũi, thân thuộc với trẻ không chỉ ở nông thôn mà cả thành thị. Xu hướng mới đang phổ biến là nhiều nhà nuôi và quý trọng mèo, nhất là mèo cảnh. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho tinh thần nhân văn lan tỏa.

Trong đời sống nghệ thuật, mèo được khai thác và sáng tạo bởi sự phong phú trong các thông điệp khác nhau. Người dân yêu quý và trân trọng mèo hơn. Cuộc sống và biểu tượng mèo đang lan tỏa về mọi hướng.

Dù đã qua hàng nghìn năm, mèo vẫn sống trong cuộc đời con người với lợi ích thiết thực và sống trong tâm thức văn hóa đầy thân thương, gần gũi. Xu hướng đó sẽ ngày càng được khẳng định.

Mong chờ điều tốt đẹp dịp năm mới là tâm lý chung của tất cả mọi người, bởi không có kỳ vọng, người ta sẽ lụi tàn. Dù năm nay dự báo đất nước còn nhiều khó khăn, từ hậu quả dịch bệnh đến lạm phát, thách thức kinh tế, nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ chuẩn bị tốt để vượt qua.

Năm Quý Mão, tôi mong mỗi người sẽ sống hữu ích, bình dị, nhiều tình yêu thương như loài mèo.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment