Người vùng cao ăn Tết Đầu lúa - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Người vùng cao ăn Tết Đầu lúa

Ngoài mừng Tết Nguyên đán cùng cả nước, người dân vùng cao ở tỉnh Bình Thuận còn tổ chức Tết Đầu lúa, mang bản sắc văn hóa riêng.

Theo truyền thống, sau khi kết thúc thu hoạch mùa màng, các cộng đồng dân tộc K’ho và Raglai sống ở miền núi tỉnh Bình Thuận đều tổ chức ăn mừng lúa mới, còn gọi là Tết Đầu lúa. Không có quy định ngày, nhưng thường rơi vào giữa tháng Chạp trước Tết Nguyên đán.

Người vùng cao ăn tết đầu lúa

Cúng lễ lúa mới tại nhà ông Huỳnh Lương, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Video: Tư Huynh

Thời điểm này cũng như nhiều hộ dân khác trên xã vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, anh Huỳnh Lương mừng Tết Đầu lúa tại nhà. Để chuẩn bị cúng lễ, gia đình anh làm thịt một con dê trưởng thành, tạ ơn trời đất, các vị thần linh, gọi chung là Giàng.

Người Raglai không tự đứng ra cúng bái, khấn vái như người Kinh, mà theo phong tục họ mời một một thầy cúng, người am hiểu tục lệ trong cộng đồng, đến thay mặt chủ nhà làm lễ cúng. Các lễ vật như: rượu cần, thịt dê, thịt gà, chuối chín, cơm trắng... được bày biện trên bộ ván cao ráo trang trọng trong nhà.

Sau khi thắp nến, rót rượu cần từ ché ra, thầy cúng đọc những bài kinh bằng tiếng bản địa, rồi dâng lên mời tất cả các vị thần: núi, sông, rừng về chứng giám. Cúng xong, gia chủ dọn đồ ăn, mời người thân và hàng xóm đến chung vui, ăn lễ. Rượu cần là thức uống bắt buộc theo truyền thống, bên cạnh các loại thức uống khác. "Ngày xưa cha ông làm sao, thì nay mình cũng giữ vậy, con cháu không bao giờ lãng quên", anh Lương cho biết.

Trước đó ba hôm, nhà ông Huỳnh Thúc Ne (cách đó khoảng một km) cũng giết dê cúng Tết Đầu lúa. Mấy năm trước ông chỉ làm gà, nhưng năm nay vụ bắp, mì và chăn nuôi được thuận lợi hơn, nên gia đình ông tổ chức lớn hơn.

"Con cháu nội ngoại nay cũng đông, mình mừng, tụi nó cũng mừng", ông Ne nói và cho biết Tết Đầu lúa của người Raglai ở vùng cao không có ngày cố định. Vụ mùa kết thúc vào lúc nào, gia chủ sẽ tổ chức ăn lễ thời điểm đó, thường rơi vào tháng Chạp trước khi người Kinh ăn tết Nguyên đán.

Ông Ne kể, trước đây cây lúa rẫy (lúa mẹ) được trồng phổ biến, là lương thực chính của bà con vùng cao. Sau khi thu hoạch về, lúa mẹ được cất giữ cẩn thận trong kho (là một nhà sàn nhỏ) phía trước ngôi nhà chính. Mỗi lần cần nấu cơm, họ lấy xuống dùng chày cối giả sạch vỏ trấu đem đi nấu.

"Chính vì giúp cho cái bụng của mỗi gia đình được no, nên cây lúa mẹ được người vùng cao xem như có hồn, rất tôn trọng", ông nói và cho biết ngày nay do bà con vùng cao trồng các loại cây khác (bắp, mì, thanh long...) theo thị trường, cây lúa mẹ không còn được trồng đại trà như trước. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn giữ truyền thống xưa, vẫn xem Giàng lúa đã phù hộ, bảo trợ mùa màng tươi tốt, mang lại ấm no cho người dân trong làng.

Anh Nguyễn Văn Đại, người Ralgai đến dự, uống rượu cần mừng lúa mới tại nhà người thân ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Tư Huynh

Anh Nguyễn Văn Đại, người Ralgai đến dự, uống rượu cần mừng lúa mới tại nhà người thân ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Tư Huynh

Không riêng người Raglai ở các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) mà người K’ho ở các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc) ở bên kia dãy núi Đèo Nam cũng duy trì ăn Tết Đầu lúa tại gia đình, dù không còn lễ chung cúng trước làng do già làng đứng ra chủ tế. Còn tại 4 xã vùng cao: Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn và Phan Điền (huyện Bắc Bình), các làng vẫn duy trì lễ cúng chung, trước khi mỗi gia đình tổ chức ăn mừng riêng.

Tại xã Phan Điền, để chuẩn bị cúng lễ, trước sân nhà cộng đồng, già làng cho dựng một cây nêu cao 5 m. Phía trên cây nêu có gắn các hình tượng linh vật chim thú, công cụ lao động. Chúng được làm bằng tre hoặc cây gỗ, treo lên những sợi dây vỏ cây hoặc cành tre dẻo dai, đong đưa đẹp mắt mỗi khi có gió thổi qua.

Già làng quấn khăn trên đầu, mặc trang phục truyền thống với các hoa văn họa tiết đặc trưng, bày biện lễ vật trên tấm chiếu dưới cây nêu. Lễ vật gồm: gà luộc, trứng gà, chuối sứ, cơm, trầu cau, nước lã, rượu cần... Chén than hồng được thổi đỏ rực, già làng rắc trầm hương lên. Lúc khói tỏa lên thơm nghi ngút, ông chắp tay đọc các câu kinh cổ bằng tiếng Raglai tạ ơn Giàng.

Xung quanh cây nêu, thanh niên nam nữ và đội nhạc lễ mang trang phục truyền thống đi vòng quanh vừa múa vừa hát câu "Ơi Giàng ơi, ơi Giàng ơi" tạ ơn mùa cũ và cầu mong mùa lúa mới tốt tươi. Cùng đó, tiếng trống, tiếng mã la, khèn bầu mang đến không khí vui tươi, hồn sắc núi rừng. "Sau một năm lao động sản xuất, mùa màng kết thúc, ngoài tạ ơn trên, đây cũng là dịp người dân trong làng đoàn kết, lưu giữ truyền thống cho con cháu mai sau", ôn Mang Lầu, già làng xã Phan Điền cho hay.

Người dân xã Phan Điền, huyện Bắc Bình cúng lúa mới trước làng, hôm 15 tháng Chạp. Ảnh: Tư Huynh

Người dân xã Phan Điền, huyện Bắc Bình cúng lúa mới trước làng, hôm 15 tháng Chạp. Ảnh: Tư Huynh

Ngày 14-15 Âm lịch tháng Chạp hàng năm, Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Bình còn tổ chức ngày hội văn hóa thể thao hội tụ đại diện của 4 xã vùng cao trong huyện để tạo không khí vui tươi, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc K’ho, Raglai... miền núi trong dịp này.

Các trò chơi dân gian như: thi bắn nỏ, gùi nước, nấu cơm lam, giã gạo, chạy vượt núi... diễn ra sôi nổi trong tiếng hò reo, mang đến niềm vui cho mọi người. Trong đêm, tiệc rượu cần cùng hội thi biểu diễn văn nghệ truyền thống góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người vùng cao Bình Thuận.

"Năm ngoái do dịch không tổ chức được, năm nay duy trì lại, đã qua lần thứ 27 tổ chức, chúng tôi mong muốn giữ gìn nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc anh em tại địa phương", ông Huỳnh Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Bình cho biết.

Tư Huynh

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment