Rừng trâm bầu 500 tuổi ở làng biển - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Rừng trâm bầu 500 tuổi ở làng biển

Quảng BìnhHình thành từ hơn 500 năm trước, rừng trâm bầu đã bảo vệ cho làng Thanh Bình khỏi gió bão, hạn hán, được người dân xem như báu vật.

Cánh rừng trâm bầu chạy dọc bờ biển làng Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch khoảng 4 km, rộng 400 m. Loài cây có tên khoa học là Combretum quadrangulare Kurz, thuộc cây thân gỗ cao 2-12 m, phân bố chủ yếu ở miền Nam và Trung. Cây đẻ nhiều nhánh ngay sát gốc, thân khúc khuỷu, uốn lượn.

Làng Thanh Bình tựa lưng vào rừng trâm bầu, mặt ngoảnh về phía tây với ruộng nương tươi tốt. Ảnh: Hoàng Táo

Làng Thanh Bình tựa lưng vào rừng trâm bầu, mặt ngoảnh về phía tây với ruộng nương tươi tốt. Ảnh: Hoàng Táo

Phần lớn gốc trâm bầu ở làng Thanh Bình hiện có đường kính 20-30 cm, một số gốc trên 50 cm. Nhiều thân cây lâu năm rêu mốc mọc xù xì, xanh mướt. Nhìn từ trên cao, trâm bầu tạo thành mảng xanh, che đồi cát trắng xóa phía dưới. Rất nhiều loài chim về đây trú ngụ, làm tổ, sinh đàn đông đúc.

Vào mùa hè, trâm bầu ra hoa, đến cuối năm kết trái. Quả mọc chi chít đầu ngọn cây, nhỏ bằng đầu ngón tay, ăn có vị ngọt và chát nhẹ. Đầu mùa xuân, cây trâm bầu con mọc lên. Điều đặc biệt cây chỉ có thể tự mọc, người dân chưa thể gieo hạt hoặc đào cây về nhân giống.

Theo các cụ cao niên, rừng trâm bầu có từ trước khi lập làng Thanh Bình. "Khi các vị tiền nhân khai khẩn đến lập làng thì đã có cánh rừng này. Thấy rừng xanh tốt, biết là vùng đất trù phú, mạch nước ngầm dồi dào nên các ngài đã cắm cọc dựng nhà, vỡ đất làm ruộng", ông Dương Minh Huy, 63 tuổi, từng 39 năm bảo vệ cánh rừng trâm bầu, giới thiệu.

Rừng trâm bầu 500 tuổi ở làng biển (bài tết)

Cánh rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình. Video: Hoàng Táo

Từ đó đến nay, cánh rừng là bức tường xanh che chở dân làng qua bao mùa gió bão, chắn cát bay cát nhảy, giữ nguồn nước ngọt. 500 giếng quanh làng Thanh Bình chưa bao giờ cạn nước. Nguồn nước cũng không bị nhiễm phèn, chua mặn như ở các làng lân cận.

Ý thức được sự sống còn của làng phụ thuộc vào cánh rừng trâm bầu, các bậc tiền nhân đã đặt ra nhiều quy định giữ rừng. Trưởng làng lựa chọn trai tráng vào đội giữ rừng, ai chặt cây, phá rừng bị bêu giữa đình làng, phạt thóc sung công.

Đến năm 1959, làng thành lập hợp tác xã, đội giữ rừng chính thức ra đời. Dân làng quy định phạt tiền với những ai vào rừng chặt cây. Người dân chỉ được vào vơ lá rụng về làm chất đốt.

Ông Dương Minh Huy, Tổ trưởng bảo vệ rừng trâm bầu bên một gốc cây có đường kính trên 50 cm. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Dương Minh Huy, Tổ trưởng bảo vệ rừng trâm bầu, bên một gốc cây có đường kính trên 50 cm. Ảnh: Hoàng Táo

Đầu những năm 1980, người dân các xã lân cận vì thiếu chất đốt nên vào rừng trâm bầu chặt cây về làm củi. Từng tốp 20-40 người kéo vào chặt cây. Tổ bảo vệ gồm 11 người, do ông Huy làm tổ trưởng, được cấp hai khẩu súng AK, ăn ở trong rừng để ngăn chặn chặt cây.

"Họ đi rất đông nên chúng tôi nhiều lần phải nổ súng AK để cảnh cáo. Không ít lần xô xát, may mắn không ai thương tích", ông Huy nhớ lại. Việc này kéo dài ba năm rồi giảm dần, súng AK được thu hồi. Năm 2011, tổ bảo vệ rừng Thanh Bình được Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì thành tích giữ rừng.

Để duy trì cánh rừng báu vật, dân làng Thanh Bình góp lúa nuôi đội bảo vệ, hiện còn 5 người. Mỗi năm hai vụ, mỗi bảo vệ được nhận 800 kg lúa, quy ra tiền 4 triệu đồng. "Khoản tiền chỉ là nguồn động viên. Với chúng tôi, cánh rừng như là mạch sống, là bạn tri kỷ không thể rời xa", ông Dương Văn Dũng, 60 tuổi, thành viên tổ bảo vệ rừng, tâm sự.

Những năm gần đây, làng Thanh Bình quy định người mất không được chôn dưới rừng trâm bầu mà phải ra nghĩa địa, nhằm duy trì diện tích rừng. Năm 2022, tỉnh Quảng Bình điều chỉnh hướng tuyến đường ven biển ra sát bờ biển để tránh cánh rừng trâm bầu, sau hơn một năm lấy ý kiến người dân.

Rừng trâm bầu cổ thụ với tuổi đời hơn 500 năm. Ảnh: Hoàng Táo

Rừng trâm bầu cổ thụ với tuổi đời hơn 500 năm. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Dương Minh Phương, Chủ tịch xã Quảng Xuân, đánh giá người dân Thanh Bình đồng lòng giữ cánh rừng trâm bầu nhiều năm qua, mang lại nhiều lợi ích về phòng hộ, sinh thái, giữ gìn nguồn nước... Đây là số rất ít cánh rừng xanh tốt nguyên sinh được gìn giữ ở vùng ven biển Quảng Bình từ xưa đến nay.

Hoàng Táo

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment