TP HCMViệc cho thuê vỉa hè nếu được triển khai bài bản ngoài đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế sẽ giúp chỉnh trang đường phố, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn.
Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải TP HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.
Đồng tình chủ trương này, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, cho rằng TP HCM nên tổ chức thu phí dùng tạm vỉa hè, bởi không gian này ngoài dành cho người đi bộ, còn có nhiều công năng khác như kinh doanh, buôn bán, đậu xe. Theo ông, thực tế, "kinh tế vỉa hè" là một trong những yếu tố không thể thiếu ở những đô thị lớn như TP HCM. "Nếu việc cho thuê vỉa hè được triển khai bài bản ngoài đáp ứng nhu cầu sẽ giúp chỉnh trang đường phố", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc cho thuê tạm vỉa hè cần hướng đến mục tiêu cải thiện, tổ chức lại không gian đô thị chứ không nên đặt nặng nguồn thu cho ngân sách. Trong đó, việc hoạch định các chức năng như điểm kinh doanh, đi bộ, dừng đỗ, tiện ích công cộng, điểm giữ xe trên vỉa hè phải được tính trước, và cần có sự đồng thuận của người dân mới có thể triển khai hiệu quả.
Cũng theo ông Sơn, để tổ chức thu phí dùng vỉa hè, lòng đường, thành phố cần phân loại các tuyến cụ thể và thực hiện trong khuôn khổ với những hoạt động nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ riêng ngành giao thông có thể tính toán, xây dựng phương án mà cần các ngành quy hoạch, kế hoạch đầu tư, môi trường... cùng thực hiện.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM), cũng cho rằng nhiều năm qua, thành phố dù đã quy định rất rõ việc sử dụng vỉa hè, song tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra. Các quận, huyện sau những đợt ra quân lập lại trật tự, chỉ vài ngày sau vỉa hè lại bị "tái chiếm". Cách làm này chỉ là biện pháp cứng, dù có thể đạt kết quả nhanh nhưng không thay đổi nguyên nhân cơ bản là nhu cầu sinh hoạt, buôn bán, đậu xe... ở vỉa hè rất lớn.
Theo ông Nguyên, thực tế người đi bộ ở TP HCM đang rất ít, chỉ tập trung ở một số khu vực trung tâm và gần như chưa từng có trường hợp "ùn tắc người đi bộ" trên vỉa hè. Do vậy, thành phố cần tìm giải pháp trung hòa, tức chấp nhận tình trạng vỉa hè "đa năng", ngoài dành cho người đi bộ cần mở rộng theo hướng cho sử dụng có thu phí.
"Tuy nhiên, việc cho thuê cần tổ chức, quy hoạch cụ thể, bảo đảm công bằng theo nguyên tắc thu phí sử dụng tuỳ mức độ, tuỳ khu vực khác nhau", ông Nguyên nói.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đơn vị lập dự thảo, cho biết mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng, trước khi hoàn thiện trình UBND thành phố. Nguồn thu từ việc cho thuê vỉa hè sẽ được triển khai trên cơ sở Luật phí đã ban hành.
Trước đó, hồi năm 2017, đề án thu phí dùng tạm vỉa hè cũng từng được đưa ra, với mức phí dựa theo giá đất mỗi khu vực. Trong đó, giá cao nhất ở quận 1 với 100.000 đồng một m2, mỗi tháng. Các quận 3; 5; 10, 11, 6, Phú Nhuận, Bình Thạnh, mức 25.000-80.000 đồng. Giá thấp nhất 20.000 đồng mỗi m2 áp dụng ở các quận 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các quận, huyện vùng ven.
Cũng theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, trong dự thảo lần này, ngoài tính toán cho một số trường hợp dùng tạm vỉa hè phải đóng phí, Sở cũng nghiên cứu hướng tăng cường an toàn cho người đi bộ, nhất là khu vực có công trình thi công, giao lộ đông xe... Dự thảo cũng nêu các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành khi cho dùng tạm một phần lòng đường, hè phố.
"Việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông", đại diện Sở Giao thông Vận tải nói và cho biết quá trình triển khai, việc quản lý các tuyến đường sẽ được phân cấp cho quận, huyện nhằm phù hợp đặc thù từng địa phương.
Ngoài kế hoạch chung của thành phố, một số quận huyện cũng đang tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Trong đó, ở khu trung tâm, quận 3 đang thí điểm các hoạt động kinh doanh, mua bán ở 8 tuyến đường như Nguyễn Thượng Hiền, Lý Thải Tổ, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa.
Ngoài ra, quận 3 cũng cho dùng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe có thu phí ở những tuyến rộng như Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trương Định, Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương nhằm khai thác hiệu quả vỉa hè, lòng đường và đảm bao trật tự đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, đây không phải hình thức cho thuê vỉa hè mà địa phương chỉ thu phí sau khi đầu tư, cải tạo hạ tầng để tổ chức các hoạt động.
TP HCM đang có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó có gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, họp chợ tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị.
Gia Minh
0 nhận xét:
Post a Comment