Xu hướng chung cải tạo công viên theo hướng mở, riêng Thủ Lệ có vườn thú nên sẽ nghiên cứu mở một phần, theo Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Tại buổi kiểm tra công viên Thủ Lệ ngày 7/2, ông Tuấn cho rằng Thủ Lệ như đảo giao thông, bốn mặt đều giáp đường nên phải nghiên cứu kỹ, "không thể mở toang". Ví dụ khu vực giáp nhà ga S8 (ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) sẽ mở, khu vườn thú và giáp làng Thủ Lệ phải đóng.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nguồn đầu tư công để cải tạo, tái thiết công viên Thủ Lệ. Ông Tuấn giao các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương cải tạo Thủ Lệ và hai công viên Thống Nhất, Bách Thảo để trình HĐND thành phố trong kỳ họp chuyên đề tháng 3, hoặc muộn nhất là kỳ họp tháng 6.
Công viên Thủ Lệ được xây dựng năm 1975, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, tổng diện tích 18,7 ha, trong đó 8,7 ha mặt nước. Vườn thú thuộc công viên có 37 chuồng, nuôi gần 600 động vật thuộc 88 loài (32 loài đặc hữu, quý hiếm).
Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội, đơn vị quản lý công viên, đề xuất mở rộng vườn thú ở khu cổng chính đường Bưởi và khu phía tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); tăng số chuồng từ 37 lên 42, sử dụng vốn ngoài ngân sách để xây khu động vật biển rộng trên 800 m2 với 1-2 tầng hầm.
Trước đó cuối năm 2022, thực hiện chủ trương công viên mở, thành phố đã cho tháo đoạn rào công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông để kết nối không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang.
Năm 2023, Hà Nội dự kiến đưa vào hoạt động ba công viên mới gồm Thiên Văn Học, hồ điều hòa Bắc - Nam Mai Dịch và hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy. Các quận dự kiến cải tạo, hoàn thành 8 vườn hoa, công viên gồm: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, công viên Thành Công (Ba Đình); Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng (Tây Hồ); Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) và Ngọc Lâm (Long Biên).
Võ Hải
0 nhận xét:
Post a Comment