Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được sáng tác năm 1946 - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được sáng tác năm 1946

Tượng bán thân cao 46 cm, nặng 17 kg, được nặn từ nguyên mẫu, khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 trong tư thế đọc sách.

Tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 bằng đồng, do họa sĩ Nguyễn Thị Kim sáng tác, được công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 1.

Bà Nguyễn Thị Kim là nhà điêu khắc nữ đầu tiên và duy nhất được đào tạo chính quy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường thành lập năm 1924, nơi đào tạo nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái.

Từ năm 1939, khi còn là sinh viên, bà tham gia hoạt động trong Ban Tuyên truyền, khánh tiết của Hội Truyền bá quốc ngữ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bà cùng chồng - họa sĩ Phạm Văn Đôn tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và làm trong Ban biên tập tạp chí Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của hội. Công việc lúc bấy giờ là vẽ tranh cổ động, triển lãm phục vụ cách mạng.

Tháng 5/1946, để chuẩn bị triển lãm mỹ thuật dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám, ban lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim đến Bắc Bộ phủ để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, bà Kim 29 tuổi, là nhà điêu khắc đầu tiên nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nguyên mẫu trực tiếp.

Tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Mỗi ngày, bà Kim có hai tiếng buổi sáng (từ 6h đến 8h) quan sát Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc để sáng tác. Bà dùng dụng cụ đo trực tiếp để hình khối chuẩn với tỷ lệ khuôn mặt, vai, cơ thể hài hòa.

Sau hơn 20 ngày, bà nặn xong tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đất sét, rồi làm khuôn thạch cao và khuôn âm bản, đổ đồng nóng chảy tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.

Tượng bán thân cao 46 cm, nặng 17 kg, được đúc liền khối rỗng, khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh có chòm râu dài, dáng tĩnh lặng trong tư thế đọc sách, đầu hơi cúi về phía trước thể hiện tập trung cao độ, nét mặt đăm chiêu, vầng trán rộng hơi nhíu lại. Dưới vai phải tượng khắc chữ Hán 金 (Kim) và chữ Việt Ng.T. Kim - 1946 (tên tác giả và năm sáng tác).

Tác phẩm đoạt giải thưởng triển lãm Mỹ thuật tháng tám năm 1946. Trong 80 tác phẩm dự triển lãm, tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Nguyễn Thị Kim được đặt ở vị trí trang trọng.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, đánh giá tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là "bước tiến thứ nhất trên con đường xa vút mà hội họa đã vượt qua được nhiều chặng".

Triển lãm kết thúc, tượng được đặt ở tòa báo Sự thật (số 114 phố Bạch Mai, Hà Nội). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, tòa soạn báo Sự thật rút khỏi Hà Nội. Để tượng không lọt vào tay quân Pháp, chồng bà Kim đào hầm chôn giấu ngay dưới gầm bàn thờ họ của gia đình.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, quân Pháp rút khỏi Hà Nội, hòa bình lập lại. Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), chồng bà Kim trở về đã đào tượng lên, lau rửa sạch, đặt lên bàn thờ phủ nhiễu đỏ. Tượng sau 8 năm dưới đất vẫn nguyên màu đồng như ban đầu.

Năm 1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khánh thành, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim tặng bức tượng cho bảo tàng.

Dưới vai phải tượng khắc chữ Hán 金 (Kim) và chữ Việt Ng.T. Kim - 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Dưới vai phải tượng khắc chữ Hán 金 (Kim) và chữ Việt Ng.T. Kim - 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

"Tượng khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ điêu khắc giản dị, làm nổi bật thần thái vị lãnh tụ đang lo toan trăm mối cho đất nước mới giành được được độc lập", hồ sơ Cục Di sản văn hóa nêu và đánh giá với phong cách tả thực, tác phẩm không chỉ lột tả chân dung mà còn làm nổi bật hồn cốt nhân vật, ẩn chứa nội tâm, vừa minh triết, vừa gần gũi.

Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam, khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang gánh vác sứ mệnh lãnh đạo toàn dân vượt qua "thù trong, giặc ngoài". "Bức tượng góp phần khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, động viên, thôi thúc toàn dân, toàn quân bước vào cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc", Cục Di sản văn hóa dẫn một trong những lý do đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

Bức tượng còn phiên bản khác được họa sĩ Nguyễn Thị Kim làm lại theo mẫu sáng tác năm 1946. Bà Phạm Tú Hương - con gái họa sĩ, kể sau khi tặng tượng gốc cho bảo tàng, khoảng năm 1965-1970, bà Kim xin phép làm phiên bản lưu giữ tại gia đình làm kỷ niệm. Tượng phiên bản không khắc tên tác giả và năm sáng tác.

Năm 2000, họa sĩ Nguyễn Thị Kim được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, với chùm tác phẩm tượng đồng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù điêu Hạnh phúc, tượng đồng Chân dung cháu gái, tượng gỗ Nữ du kích, phù điêu 11 cô tự vệ thành phố Huế.

Viết Tuân

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment