Quảng NgãiCho rằng nhiều người nơi khác đến đầu cơ khi có quy hoạch mới, chính quyền huyện Lý Sơn yêu cầu dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Một tuần qua, người dân ở đảo xôn xao khi UBND huyện Lý Sơn thông báo tạm dừng chuyển nhượng đất trồng hành, tỏi cho người đất liền, yêu cầu Văn phòng đất đai tỉnh – chi nhánh Lý Sơn thực hiện. Địa phương đánh giá việc chuyển nhượng đất nông nghiệp có dấu hiệu đầu cơ, ôm đất chờ giá tăng sau khi Chính phủ công bố quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045, đảo Lý Sơn sẽ lên thành phố, có sân bay, bến cảng.
Thống kê của huyện, đầu năm đến nay có 26 thửa đất nông nghiệp Lý Sơn bán cho người ở đất liền. Trong đó chỉ có 4 thửa do người tại tỉnh Quảng Ngãi mua, còn lại là ở các tỉnh khác, nhiều nhất là người ở Hà Nội. Có hai người tại thủ đô mua số lượng nhiều, một người mua 6 thửa 2.300 m3, trường hợp khác mua ba thửa 1.400 m2.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch huyện Lý Sơn, nói tình trạng trên ảnh hưởng an ninh chính trị và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án trong thời gian tới. Chưa kể huyện đang phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Các khu công nghiệp Quảng Ngãi triển khai lập quy hoạch 1/2000 đô thị Lý Sơn.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh – chi nhánh Lý Sơn, tính cả năm ngoái và những tháng đầu năm nay, có khoảng 400 thửa đất, trong đó hơn 160 thửa chuyển nhượng cho người đất liền, 80% là đất nông nghiệp. Cơ quan này đánh giá sự việc "chưa có gì phức tạp, không có yếu tố người nước ngoài".
Tuy nhiên, sau thông báo của chủ tịch huyện Lý Sơn hôm 19/5, chi nhánh ngừng tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài đảo. Hiện còn 10 hồ sơ người dân nộp trước ngày huyện ra thông báo, văn phòng muốn giải quyết để tránh bị dân khiếu nại nhưng chủ tịch huyện không đồng ý.
Ông Trần Trung Cường, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi, cho biết chủ trương không chuyển nhượng đất nông nghiệp ở đảo cho người ngoài có từ năm 2018. Nhưng được huyện làm quyết liệt thời gian gần đây nhằm tránh đầu cơ, ảnh hưởng thực hiện các dự án. Tuy nhiên quy định này không phù hợp quy định pháp luật, vì người dân có quyền chuyển nhượng đất, trừ khi địa phương có thông báo thu hồi đất cho dự án.
Theo ông Cường, ngoài những người đầu cơ, ôm đất, một số người dân ở huyện đau ốm, có con đi học muốn bán đất lấy tiền trang trải cũng bị ảnh hưởng khi thông báo cấm chuyển nhượng. "Chúng tôi không có đủ căn cứ pháp luật để trả hồ sơ và đối mặt việc bị kiện tụng, nhưng lãnh đạo huyện yêu cầu thì phải tôn trọng", ông Cường nói.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm (Công ty luật Lâm Trí Việt) cho hay hiện pháp luật không có quy định nào yêu cầu chỉ được chuyển nhượng cho người cư trú cùng địa phương nơi có đất. Do vậy, khi người dân muốn chuyển nhượng và làm đúng quy định, chính quyền phải giải quyết hồ sơ đúng thời hạn.
"Cơ quan chức năng không thể viện lý do khó khăn trong quản lý mà đặt ra các điều kiện trái quy định, gây phiền hà, xâm phạm quyền lợi hợp pháp người dân", ông Lâm nói và cho biết Lâm Đồng, Hà Nội từng ra văn bản tạm ngưng tách thửa, chuyển nhượng đất đai sau đó phải thu hồi vì trái luật.
Để tránh đầu cơ, trục lợi từ chuyển nhượng đất đai, luật sư Lâm cho rằng địa phương cần làm tốt khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giám sát và các trường hợp tách thửa, chú trọng quản lý xây dựng công trình trên đất... Khi phát hiện vi phạm, chính quyền phải nhanh chóng ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Đảo Lý Sơn cách đất liền 24 km, có hơn 22.000 dân, khoảng 55% dân số làm nông với 300 ha, chủ yếu là hành, tỏi. Nơi đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Theo các chuyên gia bất động sản, giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn đang cao hơn 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Thời gian qua nhiều người đất liền muốn thổi giá để "đẩy hàng" tạo nên sốt ảo. Trước thông báo cấm chuyển nhượng, nhiều người đang lo mất tiền cọc mua đất.
Phạm Linh - Đình Văn
0 nhận xét:
Post a Comment