Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày thảo luận kết quả kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, sau đó các bộ trưởng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, năm 2022 Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế phục hồi nhanh, đạt được kết quả khá toàn diện. Trong đó, 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với báo cáo tại kỳ họp thứ 4.
Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 chỉ vượt 403.800 tỷ đồng, tương đương 28,6% so với dự toán - phản ánh xây dựng dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách hàng năm.
Thu ngân sách còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất (vượt gần 55% so với dự toán), dầu thô (177%), xổ số kiến thiết (vượt hơn 18% so với dự toán).
Việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát là nguyên nhân khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành.
Nền kinh tế thiếu thanh khoản trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại là nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.
Thị trường cổ phiếu suy giảm mạnh trong năm 2022 khi chỉ số VN-Index cuối năm giảm gần 32% so với đầu năm; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm 32,7% so với năm 2021. Cùng với đó, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất lo ngại.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; giữ sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ cần xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay các khó khăn về phòng cháy, chữa cháy; giải quyết dứt điểm vấn đề̀ kiểm định xe cơ giới; xử lý bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Post a Comment