Vì sao tòa không chấp nhận “kháng cáo thay” của luật sư và người nhà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- AIC - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Vì sao tòa không chấp nhận “kháng cáo thay” của luật sư và người nhà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- AIC

Nội dung được nêu trong sáng 22/5, ngay trong phần thủ tục phiên phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa – Nhận hối lộ" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC.

Không chấp nhận “kháng cáo thay” của luật sư, người nhà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử phúc thẩm bác các "kháng cáo thay" của luật sư, người nhà bà Nhàn AIC.

Hội đồng xét xử thông báo, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác không có mặt, đang bỏ trốn và nhiều bị cáo không có đơn kháng cáo, chỉ có đơn kháng cáo của luật sư, gia đình.

Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm, khi xét xử ở cấp sơ thẩm, tòa án đã đánh giá hành vi của điều tra viên, kiểm sát viên và tuyên bản án đúng quy định pháp luật. Các luật sư, gia đình bị cáo đã biết và sau đó làm đơn kháng cáo nên cần xét xử vắng mặt.

"Theo quy định, nếu cần thiết thì có thể xem xét lại bản án dù không có kháng cáo, kháng nghị, trên cơ sở không làm xấu đi tình trạng của các bị cáo", kiểm sát viên nói.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết cho biết, bị cáo tự mình viết đơn kháng cáo gửi về và trong giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo vận động gia đình bồi thường số tiền mà bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải hoàn trả. Luật sư đề nghị tiếp tục xét xử đối với đơn kháng cáo của bị cáo Thuyết.

Nhiều luật sư khác cũng đề nghị tiếp tục xét xử đối với đơn kháng cáo do họ làm thay thân chủ, gồm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Sau khi hội ý, tòa phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo do luật sư làm thay cho các bị cáo bỏ trốn cũng như kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh.

Lý do, tòa cấp sơ thẩm đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng, nhưng đến nay các bị cáo vẫn vắng mặt. Khi xét xử sơ thẩm, bản án đã tuyên về quyền kháng cáo, các bị cáo đều không thuộc trường hợp được kháng cáo thay.

Do các bị cáo vắng mặt nên tòa sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, tòa án không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.

Trong trường hợp này, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện; người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo. Đến nay, các bị cáo chưa ra đầu thú, chưa có mặt tại phiên tòa. Việc các bị cáo bỏ trốn thể hiện việc họ đã tự từ bỏ quyền tự bào chữa, quyền kháng cáo đối với những nội dung của vụ án này, tòa phúc thẩm xác định.

Với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh có đơn kháng cáo trong phong bì được gửi về từ Mỹ nhưng cấp phúc thẩm xét thấy những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...) nên cũng không chấp nhận.

Tòa án do vậy chỉ xét xử những bị cáo có mặt, gồm Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Không chấp nhận “kháng cáo thay” của luật sư, người nhà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC - Ảnh 2.

Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng AIC và các bị cáo tại tòa phúc thẩm.

Theo cáo trạng, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh ra quyết định đầu tư năm 2007 với tổng số vốn 889 tỷ đồng nhưng đến tháng 5/2010, tăng lên 1.080 tỷ đồng.

Chỉ 2 tháng sau, tổng mức đầu tư lại được điều chỉnh, tăng lên 1,904 tỷ đồng. Tất cả có 5 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng từ 889 lên tới 2.076 tỷ đồng; khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2018.

Trong các lần tăng vốn nói trên, tỉnh Đồng Nai gặp khó vào năm 2010 khi cần bổ sung vốn đầu tư thiết bị chuyên môn. Do vậy, bị can Trần Đình Thành khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai gọi điện cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn "nhờ" xin vốn Trung ương.

Bà Nhàn đồng ý việc "hỗ trợ tỉnh xin vốn". Cáo trạng không thể hiện nữ Chủ tịch AIC có tác động tới người, cơ quan có thẩm quyền hay không. Ông Thành cũng khai không rõ bà Nhàn "tác động bộ, ngành nào?".

Sau đó, đoàn công tác của Đồng Nai làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì dự án bệnh viện được tăng 30% tổng mức đầu tư để bổ sung phần thiết bị y tế. Ông Thành lập tức chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ bổ sung cho dự án.

Tiếp đến, bà Nhàn chỉ đạo nhân viên của mình là Hoàng Thị Thúy Nga gặp ông Trần Đình Thành và bị can Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai tại một nhà hàng.

Trong bữa ăn, ông Thành giao cho Vũ việc "tạo điều kiện" để AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của dự án bệnh viện vì đây là doanh nghiệp có khả năng, uy tín và "có nhiều mối quan hệ với Trung ương, có công xin vốn cho tỉnh".

Sau đó, AIC thực sự trúng 16 gói thầu tổng trị giá 665 tỷ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai sai quy định, gây thiệt hại 152 tỷ đồng. Bị cáo Nhàn và cấp dưới cũng hối lộ 43,8 tỷ đồng cho nhóm Thành, Vũ và Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment