Ngày 15.5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ "đại án" kit test Việt Á, xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng một số bị cáo khác.
Được hưởng án treo vẫn "kiên trì" kháng cáo
Hồi tháng 1, bị cáo Nguyễn Thanh Long bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD của bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Tại tòa hôm qua, bị cáo Long thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm quy kết, cho biết đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Bào chữa cho bị cáo Long, luật sư nói thân chủ đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, nay nộp thêm tiền như đã nêu. Bị cáo còn có 3 thân nhân là người có công với cách mạng, gồm anh trai và hai chị gái của vợ. Do đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử đánh giá, xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ còn có Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ KH-CN (án sơ thẩm 14 năm tù) và Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương (án sơ thẩm 13 năm tù). Cả hai đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hùng nộp thêm 50 triệu đồng, đồng thời xuất trình các bằng khen, kỷ niệm chương... Bị cáo Tuyến thì trình bày bản thân mắc nhiều bệnh nền.
Đáng chú ý, bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng phòng thuộc CDC tỉnh Bình Dương, dù án sơ thẩm tuyên cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định đấu thầu, nhưng vẫn tiếp tục kháng cáo. Chủ tọa hỏi "đã được án treo vẫn xin giảm nhẹ, là giảm đến mức nào nữa ?", bị cáo nói cấp trên của mình là ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương, được tòa sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự vì "không tư lợi", nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích từ Việt Á. Vì thế, bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo lệnh lãnh đạo, "giờ lãnh đạo được miễn trách nhiệm hình sự, bị cáo cũng xin được tòa ra phán quyết tương tự".
Chiếm dụng tài sản nhà nước thì không thể nói "thuận mua vừa bán"
Bị cáo Phan Quốc Việt bị tòa sơ thẩm tuyên tổng hình phạt 29 năm tù về 2 tội vi phạm đấu thầu và đưa hối lộ. Bị cáo cùng đồng phạm hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỉ đồng thông qua hành vi vi phạm đấu thầu. Đây là số tiền chênh lệch giữa giá trị thật của kit test theo tính toán của cơ quan điều tra (hơn 143.000 đồng/kit) nhưng đã bị nâng giá lên hơn 470.000 đồng/kit.
Bị cáo Việt kháng cáo, cho rằng chỉ là đồng phạm chứ không phải chủ mưu đối với sai phạm xảy ra tại CDC các địa phương, và các CDC cũng phải có trách nhiệm bồi thường chứ không thể quy cho một mình bị cáo.
Bị cáo Việt cũng khẳng định không nâng khống giá bán kit test, vì đây là loại hàng hóa nhà nước không áp giá, theo cơ chế thị trường "thuận mua vừa bán". Khi được tòa yêu cầu hạch toán chi phí để cho ra con số 470.000 đồng/kit, bị cáo nói: "Việt Á công bố giá, đơn vị nào đồng ý thì mua, sau đó Việt Á nộp thuế cho nhà nước. Đây là mặt hàng nhà nước không áp giá nên bị cáo thấy không có nghĩa vụ chứng minh các khoản chi phí sản xuất".
Tham gia xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát đề cập đến công văn của Bộ Tài chính xác định lợi nhuận tối đa được phép của mặt hàng kit test là không quá 5%. Tuy nhiên, bị cáo Việt nói "chưa bao giờ nghe, không biết, cũng không ai thông báo". Kiểm sát viên khẳng định nguồn gốc kit test Việt Á có được từ đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn kinh phí nghiên cứu từ ngân sách, là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, bị cáo đã thông đồng với một số bị cáo khác để chiếm dụng, biến tài sản này thành của riêng công ty. "Vậy nên không thể nói là cơ chế thị trường, muốn bán giá bao nhiêu thì bán", kiểm sát viên nói.
Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.
0 nhận xét:
Post a Comment