Rửa tiền để hợp pháp tài sản phạm tội mà có
TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, trong những năm gần đây, số vụ án liên quan đến các hành vi chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản chiếm đoạt đặc biệt lớn ngày càng gia tăng như tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu... Sau khi có được tài sản bất hợp pháp này, người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi rửa tiền, tức làm cho nguồn gốc của tiền, tài sản bất hợp pháp do phạm tội mà có thành tiền, tài sản hợp pháp của mình.
Theo TS Trần Thanh Thảo, quy định về hình phạt đối với tội rửa tiền tại điều 324 bộ luật Hình sự có mức án cao nhất 15 năm tù, tương đối hợp lý. Bởi lẽ người thực hiện hành vi rửa tiền còn chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn đã thực hiện. Chẳng hạn, một người tham ô tài sản, chiếm đoạt 1 tỉ đồng, sau đó rửa tiền để hợp thức hóa số tiền bất hợp pháp này, thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội "tham ô tài sản" và tội "rửa tiền" với mức tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội có thể lên đến 30 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đồng tình với quan điểm của TS Trần Thanh Thảo, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư (LS) TP.HCM Nguyễn Văn Hậu nói thêm, trên thực tế, việc rửa tiền sẽ đóng vai trò bổ trợ nhằm chuyển hóa số tiền phi pháp có được từ hành vi phạm tội khác. Do đó, khi xét xử thì các đối tượng có hành vi rửa tiền sẽ bị xem xét đồng thời nhiều hành vi phạm tội và tổng hợp hình phạt.
Mức án cao nhất đối với tội rửa tiền với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, có khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù giam. Như vậy, trong vụ án Trương Mỹ Lan rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, là gấp hơn 800.000 lần so với số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan không chỉ bị khởi tố về hành vi rửa tiền mà còn bị khởi tố về các tội danh khác gồm tội "lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản" và tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". "Vì các bị cáo còn bị tổng hợp hình phạt ở nhiều tội danh khác nhau. Theo tôi, quy định về mức án đối với tội rửa tiền hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế", LS Hậu nói.
Cách thức các đối tượng rửa tiền như thế nào ?
Theo LS Hoàng Kim Minh Châu, Giám đốc Công ty luật TNHH CBM và cộng sự, quá trình rửa tiền thường bao gồm 3 giai đoạn chính.
Thứ nhất, giai đoạn đặt tiền: tiền mặt có được từ các hoạt động bất hợp pháp được đưa vào hệ thống tài chính. Hành vi này có thể thực hiện bằng một trong các hình thức chuyển tiền vào ngân hàng, mua tài sản có giá trị cao như xe sang, bất động sản (BĐS), hoặc dịch chuyển tiền thông qua các giao dịch thương mại.
Thứ hai, giai đoạn chuyển đổi: tiền được chuyển đổi hoặc dịch chuyển qua nhiều giao dịch ma trận tài chính khác nhau, mục đích để đánh lừa, làm phức tạp và gây khó khăn cho việc theo dõi nguồn gốc tiền. Các đối tượng thường chuyển tiền qua nhiều tài khoản, nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia, hoặc sử dụng các công cụ công nghệ tài chính mới, phức tạp.
Thứ ba, giai đoạn hội nhập: một khi tiền đã được "rửa sạch" thì được luân chuyển trở lại vào nền kinh tế dưới dạng hợp pháp. Hoạt động này có thể thực hiện bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp, mua BĐS, hoặc thông qua các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.
Cũng theo LS Minh Châu: "Người phạm tội rửa tiền thường sử dụng các hành vi và thủ đoạn tinh vi để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền. Chẳng hạn như thành lập các công ty vỏ bọc để thực hiện các hợp đồng khống và giao dịch tài chính giả tạo nhằm hợp pháp hóa tiền "bẩn".
Trên thực tế, có nhiều trường hợp, người phạm tội sử dụng tiền "bẩn" để mua thẻ đánh bạc, sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc. Hay cũng có thể là núp bóng các dự án gây quỹ làm từ thiện, hoặc các hoạt động du lịch, tiếp thị; xúc tiến thương mại và đầu tư nước ngoài để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Các đối tượng còn nhờ người thân mua bán, hoặc chuyển nhượng BĐS; mua cổ phiếu, trái phiếu và sau đó bán lại để hợp pháp hóa tiền; sử dụng tiền ảo và tài sản ảo…".
Cần phải hạn chế giao dịch tiền mặt
Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM Nguyễn Văn Hậu cho hay: "Tội phạm rửa tiền là một vấn nạn đã được cảnh báo khắp toàn cầu, không chỉ ở VN. Đây là một hành vi phạm tội nguy hiểm, phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của quốc gia".
Cũng theo LS Hậu, tội phạm rửa tiền nổi lên trong thời gian qua do đây là thời điểm cơ quan điều tra nắm được đầu mối của các hình thức phạm tội có tổ chức tinh vi này; từ đó dẫn đến hàng loạt đợt khởi tố, truy tố và xét xử các đối tượng phạm tội.
Trong các vụ án rửa tiền, vấn đề quan trọng nhất là phải thu hồi được tài sản đã tẩu tán sang nước ngoài. Trong quá trình điều tra, các cơ quan có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, trì hoãn giao dịch để ngăn chặn các đối tượng bị tình nghi thực hiện chuyển tiền và tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Khi bản án của tòa án có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền được quyền tiến hành tịch thu tài sản vì phạm tội mà có của các đối tượng theo như nội dung của bản án. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định rõ đâu là tài sản do phạm tội mà có lại là một vấn đề cần được nghiên cứu cải thiện. Nhiều trường hợp đối tượng tẩu tán tài sản ra nước ngoài và đứng tên bởi cá nhân, tổ chức khác khiến cho việc điều tra, xác minh gặp khó khăn do liên quan đến các quyền sở hữu được luật pháp nước khác bảo vệ.
Còn theo TS Trần Thanh Thảo, một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm rửa tiền được thực hiện khá dễ dàng tại VN là do nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào tiền mặt. Nhiều giao dịch mua bán các mặt hàng có giá trị lớn như BĐS, hoặc các hoạt động kinh doanh, hợp tác đầu tư... cũng được thực hiện bằng tiền mặt.
Ngoài ra, tiền ảo không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Việc đầu tư mua bán tiền ảo thì chưa có quy định nào điều chỉnh hoặc ngăn cấm, nên nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi rửa tiền bằng cách giao dịch tiền ảo.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, xử lý tội phạm rửa tiền, TS Trần Thanh Thảo đề xuất cần thiết phải đẩy mạnh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các giao dịch mua bán, kinh doanh... tại VN; từ đó dễ phát hiện ra các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu rửa tiền. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản lý các giao dịch tiền ảo tại VN, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đối với các giao dịch liên quan tới tiền ảo xuyên biên giới. (còn tiếp)
Tội rửa tiền bỏ qua pháp nhân phi thương mại ?
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, tội rửa tiền theo điều 324 bộ luật Hình sự còn có hạn chế. Bởi chủ thể của tội rửa tiền hướng tới là các cá nhân, pháp nhân thương mại, mà bỏ qua các pháp nhân phi thương mại. Trong đó, tại điều 76 bộ luật Dân sự quy định, pháp nhân phi thương mại là tổ chức không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác...
0 nhận xét:
Post a Comment