Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác. Riêng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội danh thuộc trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, tuổi thấp nhất bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật tại VN là 14.
Tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) hỏi rằng: "Vì sao độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự lại là 14? Cơ sở để lấy độ tuổi này dựa vào tâm lý hay sinh lý?". Ông Trí nói, trẻ em hiện giờ "lớn, khôn nhanh lắm", tốc độ trưởng thành về mặt tâm lý, sinh lý, hiểu biết cũng cao hơn trước, vì thế ông đề xuất nên giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự xuống 12, thay vì 14 như quy định hiện hành.
Năm 2021, Trung Quốc quyết định giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 14 xuống 12 với một số hành vi phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng cho biết sẽ giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 14 xuống 13. Với những thông tin này, cùng đề xuất của đại biểu Nguyễn Anh Trí, có ý kiến cho rằng việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ tăng sức răn đe của quy định pháp luật, là biện pháp trực tiếp nhất ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa và manh động.
Liệu cách làm trên có phải là giải pháp tối ưu làm giảm số lượng người chưa thành niên phạm tội? Nhiều quan điểm cho là không, vì đề xuất này sẽ chỉ giải quyết được "phần ngọn", thậm chí có thể gây tác dụng ngược.
Càng phát triển phải càng nhân văn
Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nói, các quy định của bộ luật Hình sự năm 2015 được thiết kế nhằm phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà VN là thành viên. Theo đó, 2 nhóm tuổi chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự gồm từ đủ 14 đến dưới 16 và từ đủ 16 đến dưới 18. Nếu cùng phạm vào một tội, hình phạt đối với 2 nhóm này bao giờ cũng nhẹ hơn nhiều so với người trưởng thành.
Vì sao chính sách hình sự lại dành những "đặc quyền" ấy cho người chưa thành niên? Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trẻ em thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm đời sống, kiến thức pháp luật; khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí là manh động. Bởi vậy, không thể dùng các quy định pháp luật hình sự đối với người lớn rồi "điều chỉnh một chút" để áp dụng với trẻ em.
"Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở nên chai sạn với hình phạt. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng. Thế giới đã chứng minh và cho nên chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đừng hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai", ông Bình nói thêm.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội không đơn thuần là sự trừng phạt, mà còn thể hiện chính sách hình sự của một nhà nước. Chính sách ấy không những căn cứ vào khả năng nhận thức của người phạm tội, mà phải thể hiện được sự nhân văn, nhân đạo. Do đó, nhà nước càng phát triển thì chính sách hình sự càng phải nhân văn, nhân đạo, đồng nghĩa độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự càng phải tăng lên.
Ông Hà dẫn chứng bộ luật Hồng Đức (thời Lê sơ) từng quy định 7 tuổi đã bị xử lý hình sự, đến bộ luật Gia Long (thời nhà Nguyễn) là trên 7 tuổi. Sau này, bộ luật Hình sự năm 1985 và bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với gần như tất cả các tội. Đến bộ luật Hình sự năm 2015, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vẫn là 14, nhưng phạm vi được thu hẹp còn 28 tội danh. "Như vậy, tuổi chịu trách nhiệm hình sự càng ngày càng thu hẹp (nâng lên - PV), chứ không phải càng ngày càng giảm xuống", ông Hà nói.
Phạt nặng không có nghĩa tội phạm sẽ giảm
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho rằng giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chỉ giải quyết được bề nổi, không phải là biện pháp căn cơ ngăn chặn trẻ phạm tội.
Qua nhiều năm làm công tác xét xử, bà Vinh đúc kết một thực tế rằng, không phải cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, cứ phạt thật nặng thì sẽ tăng tính răn đe, sẽ giảm tội phạm. "Hãy nhìn vào người lớn, tội phạm ma túy chẳng hạn. Chỉ cần mua bán, tàng trữ một lượng nhỏ đã có thể bị tử hình. Rõ ràng luật rất nghiêm khắc rồi đấy, nhưng vì sao tội phạm ma túy vẫn xảy ra, thậm chí ngày càng manh động, phức tạp hơn?", bà Vinh đặt câu hỏi và khẳng định vấn đề nằm ở ý thức pháp luật.
Theo nữ luật sư, cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê, có số liệu tổng quát về tình hình trẻ em phạm tội, phân tích xem hành vi vi phạm tập trung vào nhóm nào, để từ đó có đối sách phòng ngừa, ngăn chặn. Ví dụ với tội phạm giết người hoặc cố ý gây thương tích, nhiều trường hợp trẻ phạm tội khi không làm chủ được bản thân, hoặc không nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra. Hay tội phạm về ma túy, nhiều trường hợp trẻ bị dụ dỗ bằng những ham muốn bồng bột, thậm chí bị lừa gạt, do thiếu hiểu biết mà sa vào con đường sai trái.
Với những trường hợp này, giải pháp cần tính toán là nâng cao nhận thức cho trẻ, để trẻ biết đó là sai, tránh vi phạm, chứ không phải giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để mở rộng phạm vi xử lý. Nếu cứ chăm chăm vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi trẻ phạm lỗi, với nhận thức còn hạn chế, rất dễ dẫn tới tác dụng ngược. Như Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình lo ngại, trại giam là môi trường toàn tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp, nếu giam giữ trẻ trong môi trường đó, "có khi lại đào tạo đứa trẻ thành chuyên nghiệp hơn".
Làm gì để ngăn chặn tội phạm trẻ hóa?
Giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không phải là giải pháp gốc rễ, vậy cách nào để ngăn chặn tình trạng tội phạm trẻ hóa? Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh cho rằng phải xây dựng một nền tảng nhận thức thật tốt cho trẻ. Nền tảng ấy giúp trẻ hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, biết chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân.
Để làm được điều này, gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng chung tay thực hiện. Quan trọng hơn, xây dựng nền tảng không chỉ với trẻ mà với cả cộng đồng, nhất là người lớn. Khi có nền tảng xã hội tốt, trẻ như hạt giống ươm trên nền đất đầy dinh dưỡng, sẽ noi theo để phát triển lành mạnh. Ngược lại, cha mẹ thường xuyên bạo lực, thầy cô đứng trên bục giảng dạy nhưng phía sau lại ứng xử không chuẩn mực…, thì những điều đó sẽ "đập vào mắt trẻ".
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói ông từng vô tình đi bộ sang đường khi đèn giao thông chưa chuyển sang màu xanh, và ngay lập tức đứa cháu 4 tuổi đi bên cạnh kéo tay, không cho đi. Kể lại câu chuyện này, ông Nhĩ cho rằng một đứa trẻ được giáo dục tốt, chắc chắn nhận thức sẽ toàn diện, đúng đắn. Tình trạng trẻ em vi phạm, thậm chí là phạm tội thời gian qua, có một phần nguyên nhân đến từ việc giáo dục thiếu hiệu quả, dẫn tới nhận thức lệch lạc.
Để trẻ em tránh xa nguy cơ tội phạm, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, phải lấy giáo dục làm gốc, chứ không phải tính toán giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc tăng nặng hình phạt. Giáo dục không chỉ về kiến thức, mà phải gồm cả nhân cách, kỹ năng sống; phải thực hiện ở mọi cấp, ngay từ khi còn là mầm non; hình thức giáo dục cần đổi mới, trực quan, mang "hơi thở cuộc sống", tránh giáo điều, rập khuôn.
0 nhận xét:
Post a Comment