Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài làm gì? - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài làm gì?

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài làm gì?- Ảnh 1.

Bị can Trương Mỹ Lan

THẢO NHÂN

Trong giai đoạn 2 vụ án này, bị can Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỉ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật.

Chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài để trả nợ

Theo đó, từ ngày 27.10.2012 đến ngày 7.10.2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định của pháp luật hơn 1,5 tỉ USD.

21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam được công an xác định trái quy định của pháp luật với 152 lần giao dịch, tổng cộng hơn 3 tỉ USD.

Trương Mỹ Lan khai, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.

Việc chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam đều thông qua các hợp đồng khống, là các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp, hợp đồng tư vấn, hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Để chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cho Trịnh Quang Công phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và lãnh đạo SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB... lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Sau đó, thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.

Như vậy, cơ quan công an xác định tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là hơn 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.

Hai người nước ngoài bị truy nã vì giúp sức Trương Mỹ Lan chuyển tiền đi nước ngoài

Trong vụ án này, bị can Chen Yi Chung (quốc tịch Hồng Kông - Trung Quốc), quyền Tổng giám đốc SCB bị đề nghị truy tố hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Theo đó, từ 10.10.2020 đến ngày 15.5.2021, Chung đã 13 lần chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng khống như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Theo đó, trong 13 giao dịch này, có 12 giao dịch chuyển tiền đi 673 triệu USD, chuyển về 35 triệu USD, tương đương khoảng 16.350 tỉ đồng.

Tại cơ quan công an, Trương Mỹ Lan khai nhận đã chỉ đạo bị can Chung phối hợp những người trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền không đúng điều kiện. Từ đó, công an xác định bị can Chen Yi Chung là người giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan trong việc chuyển tiền đi nước ngoài, và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.

Tuy nhiên, Chen Yi Chung đã xuất cảnh ra nước ngoài, không xác định Chung đang ở đâu, nên C03 Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Chen Yi chung.

Ngoài ra, C03 Bộ Công an cũng ra quyết định truy nã đối với Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương quốc Anh và Bắc Ireland, người được Trương Mỹ Lan giao quản lý các công ty ở nước ngoài) vì có hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan quản lý 11 công ty ở trong và ngoài nước; từ tháng 4.2014 đến tháng 10.2022 có 11 công ty chuyển 556 triệu USD đi nước ngoài và nhận 940 triệu USD về Việt Nam, tương đương 34.216 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đề nghị 34 bị can (làm tại SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) ở 3 nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố cả 3 tội danh này.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hình phạt là tử hình. Đồng thời, tòa sơ thẩm buộc bà Lan phải bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment