Đại án đăng kiểm: Xét xử trực tuyến, vì sao? - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Đại án đăng kiểm: Xét xử trực tuyến, vì sao?

Hôm nay (17.7), TAND TP.HCM sẽ khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm 254 bị cáo liên quan sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Đại án đăng kiểm: Xét xử trực tuyến, vì sao?- Ảnh 1.

Phiên tòa sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và 14 trung tâm đăng kiểm sẽ được xét xử trực tuyến

NHẬT THỊNH

Vụ án do số lượng bị cáo đông, trong đó 133 bị cáo bị tạm giam, 120 bị cáo được tại ngoại và 1 bị cáo bị truy nã do bỏ trốn bị xét xử vắng mặt, nên TAND TP.HCM quyết định xét xử trực tuyến với điểm cầu trung tâm là trụ sở TAND TP.HCM và điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Chí Hòa (T30) Công an TP.HCM.

Theo đó, các bị cáo được tại ngoại bắt buộc phải có mặt trực tiếp tại TAND TP.HCM xuyên suốt thời gian xét xử. Riêng các bị cáo đang tạm giam tại T30, tùy diễn biến phiên tòa, khi thẩm vấn đến nhóm hành vi nào, HĐXX sẽ có thông báo trước để yêu cầu trích xuất các bị cáo liên quan ra phiên tòa tại TAND TP.HCM. Các bị cáo bị tạm giam chưa nằm trong nhóm hành vi được thẩm vấn sẽ theo dõi diễn biến phiên tòa tại điểm cầu T30.

Trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM cho hay, qua xem xét phân loại, cơ quan tố tụng chỉ xử lý những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, chủ mưu cầm đầu. Còn những trường hợp nhận tiền lặt vặt, ví như khi người dân đi đăng kiểm xe có cho các đăng kiểm viên 200.000 - 300.000 đồng, thì cơ quan tố tụng cho rằng đây hành vi nhỏ lẻ, không xem xét xử lý.

Đối với sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo cáo buộc của Viện kiểm sát, mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, nhưng lãnh đạo cục, phòng đến các trung tâm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ trung tâm, các chủ phương tiện, để bỏ qua lỗi.

Với việc làm ngơ cho cấp dưới, bị cáo Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm từ tháng 1.2014 đến tháng 7.2021 "nhận hối lộ" hơn 7,1 tỉ đồng của Phòng kiểm định xe cơ giới, Phòng tàu sông và 24 chi cục đăng kiểm; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định

Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm thay, không những không chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực, sai phạm, mà còn chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân lên, để được hưởng cao nhất. 

Vì vậy, chỉ sau hơn một năm lên giữ chức cục trưởng, bị cáo Hà đã "nhận hối lộ" hơn 8,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, cáo trạng buộc ông Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "nhận hối lộ" với tổng số tiền hơn 40,2 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông) "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định...

Theo hồ sơ, ngày 26 và 28.10.2022, khi đang thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM phát hiện 2 ô tô có dấu hiệu cơi nới thành, thùng xe nên dừng phương tiện để kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ (Giấy chứng nhận kiểm định). 

Tuy nhiên, kích thước này lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam. Do đó, kết quả này được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ.

Từ dấu hiệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment