Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt được giảm án
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 18/7, Toà án Quân sự Trung ương đã tuyên án phúc thẩm sau 1 ngày xét xử.
Sau quá trình xét xử phúc thẩm, qua đánh giá các tình tiết giảm nhẹ mới xuất trình trong giai đoạn phúc thẩm, Toà án Quân sự Trung ương đã quyết định chấp nhận kháng cáo của cả 7 bị cáo.
Theo đó, án của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt sau kháng cáo được giảm từ 25 năm tù xuống 22 năm tù.
Ở vụ án liên quan cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phan Quốc Việt bị Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 29 năm tù. Việt được giảm 3 năm tù trong vụ án liên quan 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y này nhưng tổng hợp hình phạt trong cả 2 vụ án mà bị cáo Việt dự kiến phải thi hành vẫn là 30 năm.
Phan Quốc Việt (ngoài cùng bên trái) được Toà án Quân sự Trung ương giảm 3 năm tù. Ảnh: DX
Với 6 bị cáo còn lại, mỗi người đều được tòa giảm 2 năm tù. Cụ thể, ông Hồ Anh Sơn - cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) còn 10 năm; Trịnh Thanh Hùng - cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ còn 13 năm.
2 bị cáo này bị đua ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư Nguyễn Văn Hiệu được giảm còn 5 năm; cựu thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược Lê Trường Minh được giảm còn 4 năm.
Bị cáo Ngô Anh Tuấn - cựu thiếu tá, cựu Trưởng phòng Tài chính (thuộc Học viện Quân y) được Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm 2 năm tù, chuyển sang án treo (từ 4 năm tù còn 2 năm tù treo).
Ở Công ty Việt Á, Phó Tổng Giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp được đề nghị giảm còn 4 năm tù, tổng hợp mức án 15 năm tù trong vụ án liên quan Bộ Y tế, tổng mức án 19 năm.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, 7 bị cáo đều có thái độ thành khẩn, tiếp tục khắc phục hậu quả sau phiên sơ thẩm. Với các bị cáo thuộc Học viện Quân y có nhiều thành tích, cống hiến trong qua trình làm việc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn khó khăn.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá cả 7 bị cáo đều có thái độ thành khẩn, tiếp tục khắc phục hậu quả sau phiên sơ thẩm. Ảnh: TTXVN
Về phần dân sự, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Công ty Việt Á yêu cầu Học viện Quân y trả lại 10 tỷ đồng. Toà án Quân sự Trung ương buộc các cá nhân và đơn vị liên quan phải bồi thường 12 tỷ đồng còn thiếu cho Học viện (bị cáo Hồ Anh Sơn 1,6 tỷ đồng, Công ty Việt Á 10,7 tỷ đồng).
Theo cáo trạng, năm 2020, Covid-19 bùng phát nên Bộ Khoa học Công nghệ giao Học viện Quân y nghiên cứu kit test, kinh phí hơn 18 tỷ đồng, bị cáo Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài. Do Trịnh Thanh Hùng yêu cầu, bị cáo Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu.
Tuy nhiên, các bị cáo sau đó dùng sản phẩm nghiên cứu đi đăng ký lưu hành dưới tên của Công ty Việt Á. Như vậy, sản phẩm nghiên cứu bằng tiền Nhà nước, do Bộ Khoa học Công nghệ làm chủ sở hữu bị chuyển thành sản phẩm của Công ty Việt Á, để doanh nghiệp này bán thương mại. Khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350 nghìn USD (khoảng 8 tỷ đồng).
Ngoài ra, năm 2021, các bị cáo tại Học viện Quân y còn mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao trong quá trình chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM.
Cụ thể, tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Trung tướng Đỗ Quyết, cựu Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản, đề nghị và được Bộ Quốc phòng đồng ý cho dùng hơn 7,2 tỷ đồng để mua 220 bộ kit (loại 96 test/bộ).
Tuy nhiên, Học viện Quân y không đấu thầu theo quy định mà tiến hành mua "chỉ định thầu" từ Công ty Việt Á với giá hơn 9,5 tỷ đồng, cao hơn 2,2 tỷ so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng.
Tại TP.HCM, Học viện Quân y đề nghị Bộ Quốc phòng cho dùng hơn 17,5 tỷ đồng mua 390 bộ kit (tương ứng 37.440 test xét nghiệm) của Công ty Việt Á. Giá trị hợp đồng sau đó được nâng lên 77.280 test tương ứng hơn 32,2 tỷ đồng – cao hơn 14,6 tỷ so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng. Sau đó, Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Việt Á đã chi tổng cộng 7,1 tỷ đồng "hoa hồng" cho nhóm bị cáo là người của Học viện Quân y.
Anh đâm em ruột tử vong
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 18/7, thông tin từ Công an huyện Châu Thành (tỉnh Long An), đối tượng Phạm Văn Hồng Vũ (56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) cầm dao đâm chết em ruột đã được bàn giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý về hành vi giết người.
Nạn nhân là anh Phạm Văn Hồng Lợi (53 tuổi, ngụ cùng ấp).
Khoảng 16 giờ ngày 17/7, do hai anh em ruột có mâu thuẫn với nhau thời gian trước đó, sau khi đi nhậu ở nhà bạn, đối tượng Vũ chạy xe máy đến nhà anh Hồng Lợi tại ấp 4, xã Hiệp Thạnh để nói chuyện.
Có men rượu trong người nên người anh kiếm chuyện gây sự lớn tiếng, anh Hồng Lợi cũng cự cãi qua lại dẫn đến không kiềm chế bực tức. Lúc này, đối tượng Vũ lấy con dao lao tới đâm trúng vào ngực của anh Lợi. Không kịp phản ứng, nạn nhân té xuống nền gạch bất tỉnh.
Gia đình nhanh chóng chở anh Lợi tới Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đến 22 giờ cùng ngày, nạn nhân đã tử vong. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cùng các ngành chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi.
Đối tượng Vũ bị công an bắt giữ về hành vi giết người.
254 bị cáo trong vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các địa phương hầu tòa
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 18/7, TAND TP.HCM tổ chức phiên xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác đối với 254 bị cáo. Trong đó, có hai cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam: Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình.
Đúng 7 giờ, các bị cáo được áp giải đến phiên tòa. Trong vụ án, số lượng bị cáo đặc biệt lớn với 254 bị cáo; hơn 200 luật sư và hơn 60 bị hại là cá nhân, tổ chức tham gia nên TAND TP.HCM đã bố trí khu vực xét xử riêng để không làm ảnh hưởng đến các công việc cũng như phiên tòa xét xử khác.
Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Hành vi phạm tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Giả mạo trong công tác", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đến Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông và cao nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), nhiều bị can là Trưởng phòng, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm là những người có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị can được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủ nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Bị can Nguyễn Vũ Hải là Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông. Tuy nhiên, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước.
Bị can Trần Kỳ Hình phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, nhận tiền của lãnh đạo các phòng về việc các đăng kiểm sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hồi lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tầu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa.
Khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm xảy ra trong Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho Hà phải là cao nhất. Bị can Đặng Việt Hà chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm khối V phải tính tiền nộp cho Hà căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm. Từ chủ trương, yêu cầu, chỉ đạo của Hà, lãnh đạo phòng VAR, giám đốc các tung tâm đăng kiểm khối V đã triển khai. Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 hơn 31,1 tỷ đồng.
Từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022, Đặng Việt Hà nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM hơn 7,6 tỷ đồng, nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.Hà Nội là 780 triệu đồng và nhận 680 triệu đồng của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D. Do đó, bị can Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" với tổng số tiền là 40,2 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân bị can Đặng Việt Hà hưởng lợi số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.
Nữ tiếp viên quán nhậu miệt vườn phục vụ khách “từ A – Z”
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 18/7, nguồn tin của phóng viên cho biết, Công an huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang hoàn tất hồ sơ xử lý các đối tượng có liên quan đến hành vi mua bán dâm mà đơn vị vừa triệt phá.
Trước đó, vào tối 17/7, Công an huyện U Minh kết hợp với Công an xã Khánh Thuận bất ngờ ập vào kiểm tra quán nhậu 1.2.3 Zô (có địa chỉ tại ấp 1, xã Khánh Thuận), bắt quả tang nữ nhân viên của quán đang thực hiện hành vi mua bán dâm cho khách.
Tại thời điểm kiểm tra, tại quán nhậu này có 3 nữ tiếp viên gồm: N.T.L. (31 tuổi, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời); N.T.M.D. (30 tuổi, quê TP.Cần Thơ); N.T.N. (48 tuổi, ngụ xã Khánh Tiến, huyện U Minh), và 2 nam tên L.T.S. (30 tuổi) và N.T.H. (31 tuổi, cùng ngụ huyện U Minh) đang có hành vi mua bán dâm nên tiến hành lập biên bản xử lý.
Làm việc với cảnh sát, bước đầu, nữ tiếp viên quán nhậu 1.2.3 Zô thừa nhận hành vi mua bán dâm của mình cho khách nhậu, với giá 500.000 đồng mỗi lần quan hệ tình dục.
Cũng liên quan đến hoạt động mại dâm trên địa bàn huyện U Minh, tối hai ngày trước (ngày 16/7), Công an huyện cũng bắt quả tang 4 đối tượng (2 nam 2 nữ) đang thực hiện hành vi kích dục tại Cơ sở Massage Ngọc Tỷ Tỷ, có địa chỉ tại khóm 3, thị trấn U Minh, huyện U Minh.
Qua làm việc, các đối tượng này thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.
Hiện Công an huyện U Minh đang hoàn tất hồ sơ cả 2 vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cần Thơ: 3 người tử vong là anh em họ hàng, đều chưa đủ 18 tuổi
Chiều 18/7, theo tìm hiểu phóng viên Dân Việt, 3 người tử vong trong vụ tai nạn giao thông ở Cần Thơ là anh em họ hàng và đều chưa đủ 18 tuổi.
3 người tử vong gồm P.T.L (17 tuổi), ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng; P.M.P (16 tuổi), ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều; L.T.H (17 tuổi) ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, cùng TP.Cần Thơ.
Anh Phan Thanh Bình (44 tuổi), cha của L cho biết, chiều 17/7, con trai vẫn ăn cơm cùng gia đình. Đến khoảng 23 giờ, khi cả gia đình đã ngủ, L mới ra khỏi nhà.
Theo anh Bình, khả năng con trai cùng hai người anh em đi thăm câu ở khu vực gần Bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ, khi điều khiển xe máy qua cầu vượt IC3 thì gặp tai nạn giao thông.
Thông tin từ gia đình L cho hay, do chưa đủ tuổi thi bằng lái nên cả 3 anh em đều không có giấy phép lái xe.
Trước đó, khoảng 0h30 hôm nay 18/7, trên cầu vượt IC3 xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong.
Tại hiện trường, 3 nam thanh niên nằm bất động, chồng lên nhau, trong đó có một thi thể không còn nguyên vẹn. Bên cạnh hiện trường có chiếc xe máy Honda Wave.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Cần Thơ khiến 3 người tử vong. Video: T.L
Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.Cần Thơ sau đó đã có mặt, triển khai khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Cơ quan chức năng xác định 3 người tử vong là nam, tuổi từ 16-17, cùng cư trú tại TP.Cần Thơ. Cả 3 thanh niên này đi trên cùng 1 xe máy và đã va chạm với xe đầu kéo. Sau khi vụ tai nạn giao thông, tài xế xe đầu kéo đã rời khỏi hiện trường.
Theo thông tin ban đầu, tài xế điều khiển xe đầu kéo nói trên là ông N.V.T (42 tuổi, quê Quảng Bình).
Thời điểm trên, ông T điều khiển xe đầu kéo đi trên Quốc lộ 1, hướng từ cầu Cần Thơ - Hậu Giang, đến đoạn cầu vượt nút IC3 thì xảy ra va chạm với xe máy làm 3 người tử vong.
Sau đó, ông T tiếp tục điều khiển xe đầu kéo đi về hướng phường Cái Khế (quận Ninh Kiều).
Công an quận Cái Răng và TP.Cần Thơ triển khai lực lượng truy tìm và phát hiện chiếc xe đầu kéo ở cách vị trí tai nạn gần 5km. Lúc này, chiếc xe đầu kéo nằm trong khuôn viên một công ty cầu đường nằm trên đường Trần Phú, quận Ninh Kiều.
Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy, ông T âm tính với chất ma túy và không có nồng độ cồn trong máu.
Hiện vụ tai nạn giao thông ở Cần Thơ khiến 3 người tử vong đang được lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân.
0 nhận xét:
Post a Comment