Tuyên án vụ vận chuyển 6,1 tấn vàng lậu giấu trong xe chở đá vào Việt Nam
Như Dân Việt đã thông tin: Sau 3 ngày xét xử và nghị án, trưa 19/7, TAND TP.HCM tuyên án đối với 24 bị cáo trong vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng (trị giá hơn 8.500 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981) mức án 18 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1980) 18 năm tù, Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, em ruột bị cáo Giàu) 15 năm tù. Bị cáo Trần Thanh Thắng (SN 2002, con trai bị cáo Giàu) bị tuyên phạt 12 năm tù. Các bị cáo khác bị phạt mức án từ 4 đến 13 năm tù, tất cả cùng về tội Buôn lậu. Ngoài ra, HĐXX còn phạt bổ sung các bị cáo từ 20-50 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội.
Cáo trạng thể hiện, Nguyễn Thị Minh Phụng từng làm nhân viên tiệm vàng, kinh doanh vàng bạc, thu đổi ngoại tệ và quen biết nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực kim hoàn tại TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia.
Năm 2022, Phụng điều hành đường dây mua bán vàng thỏi nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam. Phụng là người tiếp nhận nhu cầu của khách hàng trong nước và liên hệ với các đối tượng tại Campuchia để đặt hàng.
Bị can này giao Nguyễn Thị Ngọc Giàu tổ chức vận chuyển tiền và vàng qua biên giới. Theo cáo trạng, đường dây này hoạt động chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới, nhóm người của Giàu cất giấu vàng dưới sàn xe ba gác chở đá lạnh để đưa qua biên giới.
Theo điều tra, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, Phụng đã buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá 6.644 tỷ đồng, hưởng lợi 17,6 tỷ đồng. Trong đó, Phụng thu được 2,4 tỷ đồng, Giàu 13,8 tỷ đồng, còn lại 20 bị cáo khác chia nhau.
Phụng đã bán 4.830kg vàng thỏi cho nhiều người, trong đó có Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560kg, Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268kg, Đặng Thị Thanh Hằng 294kg, 36 khách hàng khác 1.828kg, và khách lẻ không xác định được là 1.804kg. Cơ quan điều tra đã tạm giữ 76kg vàng.
Cơ quan chức năng cũng xác định một đường dây buôn lậu khác do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) đứng đầu, buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định Phượng hưởng lợi 132.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng.
Về việc để "lọt" hơn 6 tấn vàng lậu vào Việt Nam, nhà chức trách tiếp tục làm rõ hành vi liên quan tới một số cá nhân, đơn vị khác. Trong đó, liên quan đến sai phạm của 9 cá nhân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ cho cơ quan của Bộ Quốc phòng xử lý.
Bắt bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 18/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Bà Loan bị cáo buộc phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Gần 16h chiều 19/7, cảnh sát tiếp tục đưa hàng chục thùng tài liệu lên xe ô tô.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, người thành lập và là cổ đông chính của Quốc Cường Gia Lai.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (SN 1960, quê Bình Định) thành lập năm 1994. Đến năm 2007, đơn vị đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ 259 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện, trồng cây cao su...
Tại Quốc Cường Gia Lai, bà Loan từng kiêm nhiệm hai chức từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2007 đến nay. Bà cũng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 37,05% vốn, tương đương khoảng 102 triệu cổ phiếu.
Liên quan vụ án này, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Lê Quang Thung, cựu Tổng Giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ông Huỳnh Trung Trực, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng tội danh trên, Bộ Công an còn khởi tố Nguyễn Thị Gái, cựu Tổng giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Công Tài, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa; Nguyễn Trọng Cảnh, cựu Phó tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa; Lê Y Linh, cựu Giám đốc Công ty Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa, cựu Chủ tịch Công ty Đầu tư Thương mại Việt Tín và Nguyễn Thành Châu, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai.
Ngày 29/5, cảnh sát khởi tố thêm ông Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Tài nguyên Môi trường, về tội "Nhận hối lộ".
Các ông Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng Giá đất, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng và Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long, bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngày 17/7, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Ngọc Thuận, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội "Nhận hối lộ".
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các ông Võ Sỹ Lực, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Làm rõ động cơ 2 người giả danh Thượng tướng và đại tá Quân đội
Chiều 19/7, theo nguồn tin của PV Dân Việt, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục phối hợp để làm rõ động cơ, mục đích của người mặc quân phục và mang quân hàm Thượng tướng giả có tên là Bùi Đức Thắng (SN 1966, hộ khẩu ở Đội Cấn, Ba Đình) và người mang quân hàm đại tá giả tên là Nguyễn Ngọc Thuận (SN 1975, ở Bắc Từ Liêm, cùng TP.Hà Nội).
Cơ quan chức năng đang làm rõ động cơ của 2 người giả danh Thượng tướng và đại tá Quân đội. Ảnh C.X
Theo thông tin ban đầu thì vào chiều 18/7, trích xuất từ camera cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn cho thấy, cùng với 2 người khác đi trong nhóm, Bùi Đức Thắng mang quân hàm Thượng tướng giả và Nguyễn Ngọc Thuận, mang quân hàm đại tá giả, đã làm thủ tục qua cảng, để xuống tàu đi ra Lý Sơn.
Đoạn camera đã ghi lại cảnh Thắng, Thuận mang cấp hàm giả khi làm thủ tục rời cảng Sa Kỳ để xuống tàu ra Lý Sơn.
Trước khi rời cửa kiểm soát cảng Sa Kỳ để xuống tàu khách ra Lý Sơn, Bùi Đức Thắng (người mặc quân phục có quân hàm Thượng tướng) còn giơ tay chào số cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Nghi vấn về quân hàm trên quân phục Thắng và Thuận đã mang, vào sáng 19/7, khi phát hiện nhóm người của Thắng, Thuận từ Lý Sơn trở về đất liền, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an Quảng Ngãi đã có mặt tại cảng Sa Kỳ, mời Thắng, Thuận và 2 người đi chung vào làm việc.
Thông tin với PV, ngành chức năng cho hay, khi được hỏi về việc mang quân hàm Thượng tướng và đại tá, Thắng và Thuận cho biết vì "thích" bộ đội nên đã đeo.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ
Giải quyết mâu thuẫn, nam thanh niên bị đâm nhiều nhát tử vong
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã truy xét, vận động, thuyết phục thành công nghi can Phan Hữu Quang (đối tượng gây ra vụ án mạng trong chiều tối 18/7) ra đầu thú, phục vụ công tác điều tra.
Theo điều tra của cơ quan Công an huyện Đơn Dương, khoảng 16 giờ ngày 18/7, Phan Hữu Quang (trú tại thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) ngồi nhậu tại nhà Lê Thanh Vũ và được Vũ cho biết Hà Trọng Quang (thường gọi là "Gô hói", sinh năm 1992, trú tại tổ dân phố M'Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) cùng Huỳnh Huy Hoàng (cư trú tại thôn Sao Mai, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) và Võ Hoàng Duy (sinh năm 1992, trú tại tổ dân phố Thạnh Hòa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) nói sẽ đánh Quang nên Phan Hữu Quang xin số điện thoại của Hà Trọng Quang để hẹn ra nói chuyện.
Phan Hữu Quang được đưa đến hiện trường, phục vụ công tác điều tra vụ giải quyết mâu thuẫn, nam thanh niên bị đâm nhiều nhát tử vong.
Đến khoảng 17 giờ 55 phút cùng ngày, Phan Hữu Quang đi xe máy biển số 49F1-477.35 đến điểm hẹn giải quyết mâu thuẫn với 1 con dao có lưỡi nhọn bằng kim loại, dài khoảng 20cm. Sau đó, Hà Trọng Quang cùng với Huỳnh Huy Hoàng, Võ Hoàng Duy cũng đi xe ô tô đến điểm hẹn tại quán bán trứng, đồ nướng vỉa hè đường 2/4, tổ dân phố Nghĩa Thị, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Tại địa điểm trên, Hà Trọng Quang và Phan Hữu Quang xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau to tiếng. Sau đó, Huỳnh Huy Hoàng từ bên ngoài đi vào nắm cổ Phan Hữu Quang rồi cãi vã nhưng được Võ Hoàng Duy ngăn cản, đẩy Hoàng và Quang ra.
Sau khi được can ngăn, Phan Hữu Quang đi ra ngoài rồi quay lại và sử dụng con dao mang sẵn theo người đâm nhiều nhát vào cổ Huỳnh Huy Hoàng. Chưa dừng lại, Hà Trọng Quang cũng bị Phan Hữu Quang đuổi theo, dùng dao đâm vào cổ và lưng.
Hậu quả, Huỳnh Huy Hoàng tử vong tại chỗ, Hà Trọng Quang cũng bị thương nặng, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương cấp cứu. Hiện, Hà Trọng Quang đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều trị.
Sau khi gây án, Phan Hữu Quang đã dùng xe máy mang theo hung khí rời khỏi hiện trường. Đến 19 giờ 15 phút cùng ngày, sau khi được vận động, thuyết phục, Phan Hữu Quang đã đến Công an huyện Đơn Dương đầu thú, trình bày toàn bộ nội dung sự việc.
Hiện, Công an huyện Đơn Dương đã phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc.
Những mái tóc bạc trắng trong phiên tòa “đại án” ngành đăng kiểm
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 19/7, TAND TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên sơ thẩm xét xử vụ đại án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh thành khác, HĐXX vẫn đang thực hiện phần khai nhân thân của các bị cáo tại tòa. Trước đó ngày 18/7, TAND TP.HCM đã thẩm vấn xong nhân thân của 210 bị cáo.
Trong vụ án, bị cáo Đặng Việt Hà (SN 1972, quê Hà Nội, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) là bị cáo đầu tiên khai nhân thân. Bị cáo Đặng Việt Hà bị tạm giữ tại Nhà tạm giữ Công an quận 12 (TP.HCM) từ ngày 11/1/2023.
Bị cáo Đặng Việt Hà bị Viện KSND TP.HCM cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "nhận hối lộ" với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, VKS xác định cá nhân bị cáo Hà hưởng lợi số tiền 8,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Đặng Việt Hà còn được xác định tham dự phiên toà với tư cách bị hại trong vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan bị cáo Nguyễn Văn Chung.
Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Hành vi phạm tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Giả mạo trong công tác", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác", diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đến Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông và cao nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), nhiều bị can là Trưởng phòng, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm là những người có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị can được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủ nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Bị can Trần Kỳ Hình phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, nhận tiền của lãnh đạo các phòng về việc các đăng kiểm sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hồi lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tầu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa.
Khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm xảy ra trong Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho Hà phải là cao nhất.
Bị can Đặng Việt Hà chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm khối V phải tính tiền nộp cho Hà căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm. Từ chủ trương, yêu cầu, chỉ đạo của Hà, lãnh đạo phòng VAR, giám đốc các trung tâm đăng kiểm khối V đã triển khai. Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 hơn 31,1 tỷ đồng.
0 nhận xét:
Post a Comment