Số liệu được nêu tại Dự thảo Tờ trình dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi đang được Bộ Công an lấy ý kiến, hết hạn vào 13/11/2024.
Tại tờ trình, Bộ Công an cho rằng việc dự án luật mới cần hoàn thiện quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình trại giam và công tác quản lý thi hành án hình sự.
Phạm nhân thi hành án tại trại giam của Bộ Công an. Ảnh: Phú Đỗ.
Lý do, các trại giam hiện nay được xây dựng theo mô hình thiết kế trước đây, có những công trình, hạng mục được xây dựng trên 20 năm đã xuống cấp nên không bảo đảm đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu giam giữ, lao động, y tế, dạy nghề… cho phạm nhân.
Các trại giam còn tình trạng quá tải, vượt quy mô giam giữ, có nơi gấp 2 - 3 lần, có nơi gấp 4 lần; không đảm bảo diện tích nằm tối thiểu cho phạm nhân, chưa kể các điều kiện về làm việc, học tập, sinh hoạt cho cán bộ công tác tại trại giam.
Công tác quản lý của các trại giam vẫn thực hiện theo phương thức thủ công, mang tính chủ quan, cơ bản dựa vào kinh nghiệm, trực quan, kỹ năng của cán bộ.
Các trại giam còn không có thiết bị phát hiện, cảnh báo và chế áp các thiết bị bay không người lái dù chúng có khả năng vận chuyển khối lượng lớn, di chuyển nhanh, ít gây tiếng ồn, được điều khiển từ xa với độ chính xác cao…
Ngoài ra, việc số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý phạm nhân, quản lý trại giam chưa được triển khai dẫn đến hiệu quả không cao và tạo áp lực lớn đối với đội ngũ làm công tác thi hành án hình sự.
Trong khi đó, môi trường công việc của đội ngũ cán bộ tại trại giam đối mặt nhiều nguy hiểm; luôn bị tội phạm, phạm nhân và đối tượng bên ngoài trại giam dùng mọi thủ đoạn tác động, dụ dỗ, mua chuộc, khống chế nên có nguy cơ dẫn đến sai phạm.
Từ trước đến nay, việc phòng ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự chủ yếu thông qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thanh - kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất; chưa có cơ chế áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để giám sát, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật.
Bộ Công an thống kê, từ ngày 1/1/2020 đến 30/5/2024, tại các trại giam đã xảy ra 140 vụ với 149 phạm nhân phạm tội mới; 91 vụ với 98 phạm nhân trốn; 86 vụ với 86 phạm nhân chết không do bệnh lý.
Cũng tại tờ trình, Bộ Công an đề nghị cần phải hoàn thiện quy định để đổi mới công tác quản lý đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục với đối tượng này
Toàn quốc hiện nay có hơn 71.000 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng trong đó án treo là trên 58.000 người; cải tạo không giam giữ gần 6.000 người; hoãn chấp hành án trên 3.000 người; tạm đình chỉ chấp hành án gần 300 người...
Tuy nhiên, tình trạng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội tại nơi cư trú hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú sang địa phương khác để vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội diễn ra với số lượng lớn.
Tình trạng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bỏ trốn cũng xảy ra như năm 2021 có 851 người; năm 2022 có 731 người, năm 2023 có 578 người. Mỗi năm, có trên 400 người chấp hành án người hình sự tại cộng đồng phạm tội mới nhưng chính quyền địa phương, đơn vị được giao quản lý, giám sát theo dõi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Bộ Công an cho rằng, cần quy định trong Luật Thi hành án hình sự về việc giám sát điện tử (đeo thiết bị giám sát điện tử) đối với các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng để quản lý, giám sát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Việc triển khai đeo thiết bị giám sát điện tử để quản lý, giám sát chặt chẽ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác tác thi hành án hình sự và sẽ mang lại hiệu quả lớn về giảm áp lực cho cán bộ; giảm chi ngân sách; tăng nguồn lực cho xã hội; đẩy mạnh tái hòa nhập cộng đồng...
0 nhận xét:
Post a Comment