Ly hôn, người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi? - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Ly hôn, người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?

Tôi lấy vợ được 4 năm, chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn nên quyết định ly hôn. Vợ chồng tôi có một con chung hơn 2 tuổi, theo tôi được biết luật Hôn nhân và gia đình quy định trẻ dưới 36 tháng ở với mẹ. 

Tuy nhiên, vợ tôi không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện nuôi dưỡng con. Vậy tôi có thể giành quyền nuôi con không?

Bạn đọc Nhật Minh

Luật sư tư vấn

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) tư vấn, theo quy định tại điều 81 luật Hôn nhân và gia đình 2014, nguyên tắc chung, trẻ dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sau khi cha mẹ ly hôn.

Ly hôn, người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?- Ảnh 1.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, luật cũng đưa ra trường hợp khi người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng vì các lý do như không có khả năng tài chính, sức khỏe yếu, không có môi trường sống ổn định hoặc có lối sống không lành mạnh như nghiện ngập, bạo hành... 

Lúc đó, tòa án sẽ xem xét giao con cho cha hoặc người thân khác có khả năng chăm sóc tốt hơn. Quyết định này nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện nhất của trẻ.

Về việc giao trẻ cho người cha, tòa án sẽ xem xét khả năng của người cha, bao gồm tài chính, tư cách đạo đức, chỗ ở, thời gian chăm sóc con và các yếu tố khác như sự gắn bó giữa cha và con. Nếu người cha có đủ điều kiện, có thể đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ, quyền nuôi con có thể được giao cho cha.

Cũng theo luật sư Bích Liên, ngoài việc xem xét các điều kiện khách quan, tòa án có thể lấy thêm ý kiến của các cơ quan chức năng địa phương, người thân trong gia đình, hoặc các bên liên quan để xác định ai là người thích hợp nhất để nuôi dưỡng trẻ.

Trong trường hợp cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện để nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi thì tòa án có thể xem xét giao trẻ cho người thân nuôi dưỡng như ông bà, cô dì, chú bác…

Người thân được giao nuôi dưỡng cũng phải có đủ điều kiện về tài chính, đạo đức, sức khỏe và thời gian để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Môi trường sống của người này cũng phải đảm bảo an toàn và phù hợp cho sự phát triển của trẻ.

Việc giao trẻ dưới 36 tháng tuổi cho người khác nuôi dưỡng khi mẹ không đủ khả năng, điều kiện đòi hỏi phải thể hiện tính nhân văn, đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của trẻ; đồng thời, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Một số bất cập về việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ

Luật sư Bích Liên cho rằng, trong luật Hôn nhân và gia đình, quyền nuôi con sau ly hôn là một vấn đề gây tranh cãi và có nhiều bất cập, đặc biệt là quy định về việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ nuôi dưỡng, như:

  • Thiếu sự linh hoạt trong quy định về tuổi

Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định "Con dưới 36 tháng tuổi được giao trực tiếp cho mẹ nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác". 

Theo luật sư, quy định này chủ yếu dựa trên quan niệm trẻ nhỏ cần được chăm sóc bởi mẹ. Tuy nhiên, điều này không phản ánh đúng mọi trường hợp thực tế bởi có những trường hợp người cha có khả năng và điều kiện tốt hơn để nuôi dưỡng, nhưng lại không được xem xét đầy đủ.

  • Thiếu đánh giá cụ thể về điều kiện thực tế của cha mẹ

Quy định hiện hành đôi khi chưa xem xét đủ các yếu tố thực tế như điều kiện tài chính, khả năng chăm sóc, sức khỏe và thời gian của cả hai bên. Có những trường hợp mẹ có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định, nhưng vẫn được giao quyền nuôi con do con dưới 36 tháng tuổi, trong khi cha lại có điều kiện tốt hơn để đảm bảo sự phát triển của con.

  • Bỏ qua ý kiến và lợi ích của trẻ

Mặc dù luật Hôn nhân và gia đình có đề cập việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, nhưng ở độ tuổi dưới 36 tháng thì ý kiến của trẻ không được xem xét và quyết định nuôi dưỡng chủ yếu dựa trên giả định mẹ là người phù hợp nhất. Trong khi đó, lợi ích tốt nhất của trẻ đôi khi có thể là ở với người cha, nếu người cha có khả năng chăm sóc tốt hơn.

  • Căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ

Quy định mặc định giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ, đặc biệt nếu cha cảm thấy bị đối xử không công bằng. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của cả cha mẹ và trẻ em.

  • Hạn chế quyền thăm nom của cha

Trong nhiều trường hợp, mặc dù cha không được quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhưng quyền thăm nom của cha không được đảm bảo hoặc bị hạn chế. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha và con, có thể dẫn đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Luật sư Bích Liên cho biết, quy định về việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ nuôi dưỡng dù có ý nghĩa nhân văn nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình thực thi. 

Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, dựa trên việc đánh giá cụ thể điều kiện thực tế của cả cha lẫn mẹ, lợi ích tốt nhất của trẻ.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment