Đối tượng giả danh công an để lừa đảo người dân, cơ quan chức năng nêu giải pháp phòng ngừa - TIN TỨC AN NINH HÌNH SỰ

Đối tượng giả danh công an để lừa đảo người dân, cơ quan chức năng nêu giải pháp phòng ngừa

Thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, Công an huyện Mê Linh đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo đó, Công an huyện Mê Linh tiếp nhận đơn trình báo của chị H (SN 1993, Mê Linh, TP.Hà Nội) về việc chị H có nhận được điện thoại của một đối tượng thông báo chị có khoản vay chưa trả là 38 triệu đồng.

Sau đó, chị H được kết nối điện thoại với một đối tượng tự giới thiệu là cán bộ công an; đối tượng này nói chị H phải cung cấp thông tin để kiểm tra. Chị H làm theo hướng dẫn và chuyển hơn 1,1 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Ở những diễn biến trước đó, vào ngày 10/11/2022, Công an huyện Thường Tín tiếp nhận đơn trình báo của chị M (SN 1991, Thường Tín, Hà Nội) về việc chị M có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên bảo hiểm thông báo có một hợp đồng bảo hiểm mang tên chị M.

"Công an fake" liên tục lừa đảo người dân, "Công an real" lên tiếng - Ảnh 1.

Công an TP.Hà Nội cho biết, để làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa

Đối tượng yêu cầu chị M cung cấp thông tin căn cước công dân để kiểm tra. Sau đó chị M tiếp tục nhận được điện thoại của một đối tượng giới thiệu là cán bộ Công an TP.Đà Nẵng.

Đối tượng nói chị M có tài khoản ngân hàng liên quan đến rửa tiền và gửi hình ảnh thông báo bắt chị M. Chị M nói không liên quan thì được thông báo gặp Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng.

Đối tượng yêu cầu chị phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để làm việc. Sau đó chị M phát hiện tài khoản bị rút mất gần 1,3 tỷ đồng.

Hay như một trường hợp khác là bà D (SN 1953, Long Biên, TP.Hà Nội) bị các đối tượng lừa đảo mất gần 6 tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 7/11/2022, Công an phường Ngọc Thuỵ tiếp nhận đơn trình báo của bà D về việc bà D có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là "Đại tá công an".

Đối tượng nói bà D có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà D phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó, bà D phát hiện tài khoản bị mất gần 6 tỷ đồng nên mới đến cơ quan công an trình báo.

Gần đây nhất, vào ngày 26/11/2022, Công an phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, TP.Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của bà L (SN 1959, Cầu Giấy, Hà Nội) về việc bà L có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát, thông báo bà L có liên quan đến vụ án ma túy.

Đối tượng yêu cầu bà Liên phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Do lo sợ, bà L đã chuyển 4,25 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà L mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trước những diễn biến này, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

About Quỳnh Nga

Quỳnh Nga
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment